IHS Markit: Triển vọng tăng trưởng sản xuất của Việt Nam năm 2022

Theo IHS Markit, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó, báo hiệu sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 4/2021.
IHS Markit: Triển vọng tăng trưởng sản xuất của Việt Nam năm 2022 ảnh 1Dây chuyền sản xuất gỗ ván ép tại Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Báo cáo vừa công bố của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (trụ sở tại London) cho biết trong tháng Một vừa qua, ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sản lượng và đơn đặt hàng tăng mạnh hơn, trong khi số lượng việc làm cũng tăng trong tháng thứ hai liên tiếp.

Theo IHS Markit, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó. Chỉ số này báo hiệu sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 4/2021.

Cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ mạnh hơn do nhu cầu của khách hàng tiếp tục được cải thiện.

[FTA tiếp tục là xung lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng]

Giới chuyên gia lý giải sự cải thiện về tổng số đơn đặt hàng mới là nhờ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 11/2018.

Các công ty cũng tin tưởng vào triển vọng sản xuất trong năm 2022. Khoảng 60% số người được hỏi dự đoán sản lượng tăng, phản ánh mức độ lạc quan nhất trong hơn 3 năm qua.

Sự gia tăng số lượng việc làm liên tục được ghi nhận trong tháng Một, khi các công ty tiếp tục gây dựng lại lực lượng lao động sau làn sóng dịch năm 2021 do sự lây lan của biến thể Delta.

Theo IHS Markit, tăng trưởng việc làm cho phép các nhà sản xuất duy trì lượng lớn công việc trong bối cảnh số đơn đặt hàng tăng mạnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục