IMF cảnh báo hậu quả của vấn đề trần nợ công ở Mỹ

Chủ tịch IMFC cho rằng khủng hoảng ngân sách và trần nợ công của Mỹ là “một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta.”
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington hôm 12/10, Chủ tịch ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) Tharman Shanmugaratnam, cho rằng cuộc khủng hoảng ngân sách kéo dài và vấn đề trần nợ công của Mỹ là “một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta.”

Theo ông Shanmugaratnam, người đang giữ chức Bộ trưởng Tài chính Singapore, tình trạng bế tắc chính trị hiện nay và sự cuộc chiến ngân sách ở Mỹ đang tác động tới lòng tin của giới kinh doanh và sự thất bại trong việc vực dậy lòng tin có thể ảnh hưởng bất lợi tới đầu tư tư nhân, vốn rất cần thiết trong giai đoạn tiếp theo của quá trình hồi phục kinh tế.

Trong thông cáo phát hành sau hội nghị, IMFC kêu gọi Mỹ “cần hành động khẩn cấp để xử lý” tình trạng không rõ ràng do vấn đề ngân sách của nước này gây ra.

Tại hội nghị trên, nhiều đại diện tài chính của các nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về đề xuất cắt giảm gói cứu trợ QE-3 thứ ba mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra, cho rằng một hành động vội vàng như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.

Tham dự hội nghị thường niên của WB và IMF, nhiều quốc gia cho rằng việc thắt chặt tiền tệ của Fed không chỉ tạo thêm nhiều thách thức với các nền kinh tế đang gặp khó khăn mà còn đảo lộn luồng vốn cũng như hạ giá tiền tệ của những nước này.

Theo ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) của IMF, chính sách nới lỏng tiền tệ mà Fed và một số ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển đang hướng tới cần được thực hiện vào thời điểm thích hợp, tính toán một cách cẩn thận và có thông tin đầy đủ.

Trong khi đó, đại diện WB và IMF tại châu Phi bày tỏ quan ngại đối với quyết định cắt giảm gói cứu trợ QE-3 thứ ba sẽ khiến kinh tế một số nước không ổn định bỡi lẽ kể từ khi áp dụng chính sách này, lượng tiền USD, euro và đồng yên với tỷ giá thấp đã được đưa vào thị trường toàn cầu trong 5 năm qua.

Hiện mỗi tháng Fed tung ra thị trường 85 tỷ USD mua lại các trái phiếu thế chấp dài hạn nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất luôn ở mức thấp.
 
Cùng mối lo ngại về tình hình kinh tế sẽ bị ảnh hưởng do sự thay đổi trong chính sách kinh tế Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo ngành tài chính của các nước cho rằng Fed và một số ngân hàng lớn khác cần quan tâm hơn đến tiến độ cắt giảm các chính sách nới lỏng tiền tệ của mình.

Không chỉ châu á, nhiều nước châu Âu như áo, Thổ Nhĩ Kỳ và 6 nước Đông Âu khác đã đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại quốc tế với sự tham gia của Fed nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với những tác động không đáng có từ việc chấm dứt QE-3.

Trước những dấu hiệu phục hồi khả quan của kinh tế Mỹ, Fed đã từng để ngỏ khả năng cắt giảm gói QE-3 trên vào cuối năm nay và đến giữa năm 2014. Tuy nhiên, cơ quan này đã quyết định duy trì gói cứu trợ trên nhằm kích thích kinh tế phát triển.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định động thái trên của Fed chính là nhằm kéo dài thời gian cho các nước đang phát triển kịp thời ổn định tình hình kinh tế, ông đồng thời hối thúc những quốc gia trên đẩy nhanh tiến trình trên này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục