Khắc khổ phá tăng trưởng

IMF: “Chính sách khắc khổ có thể phá tăng trưởng”

Giám đốc IMF cảnh báo các chính sách kinh tế khắc khổ có thể sẽ phá hoại tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngày 20/1, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và những người đứng đầu các tổ chức tài chính và thương mại quốc tế lớn khác đã cùng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các chính sách kinh tế khắc khổ phá hoại tiến trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Trong một tuyên bố chung trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 25/1 tới, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy, cùng tám nhà lãnh đạo các thể chế đa phương và khu vực lớn khác thuộc Nhóm các vấn đề toàn cầu của diễn đàn đã nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức khổng lồ và khẩn cấp có thể tác động nghiêm trọng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trong bối cảnh này, các chính sách kinh tế khắc khổ có thể khiến tăng trưởng kinh tế trì trệ, thất nghiệp cao, bất ổn định gia tăng và có nguy cơ tiềm tàng thúc đẩy các chính sách bảo hộ mậu dịch. Trong khi cần ngăn chặn những tác động xấu ở châu Âu và khôi phục niềm tin vào các thể chế tài chính để chấm dứt khủng hoảng nợ công và thúc đẩy tăng trưởng, các chính phủ cần tăng cường củng cố tài chính để thúc đẩy chứ không phải giảm các triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Tuyên bố nêu bật vai trò đã được mở rộng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) như một lựa chọn để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh IMF đề nghị tăng năng lực tín dụng của quỹ này thêm 500 tỷ USD để bảo vệ thế giới trước tác động ngày càng xấu của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Quyết định mới nhất của ECB dành cho các ngân hàng trung ương các nước thuộc khu vực đồng euro khoản tín dụng không giới hạn trong thời hạn 3 năm và mua các trái phiếu chính phủ đã làm tăng thâm hụt thanh toán của ECB lên mức kỷ lục 2.730 tỷ euro (3.500 tỷ USD) trong tháng 12/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục