Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 5 triệu tấn gạo từ nay đến năm 2024

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman cho biết nước này sẽ cần nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong năm nay và 2 triệu tấn gạo vào năm 2024.

Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời tại Tân cảng Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời tại Tân cảng Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman, ngày 13/11, cho biết đến năm 2024, quốc gia đông dân thứ tư thế giới có thể cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino ảnh hưởng hoạt động sản xuất lúa gạo.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban IV (giám sát các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, thủy sản và an ninh lương thực) thuộc Hạ viện, ông Amran cho hay 5 triệu tấn gạo này bao gồm 3,5 triệu tấn được nhập khẩu trong năm nay và 2 triệu tấn vào năm 2024.

Theo ông Amran, việc Indonesia chuyển từ vị thế quốc gia tự cung tự cấp gạo thành nhà nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi, xuất phát từ việc sản lượng lúa gạo trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của El Nino.

Sản lượng gạo của Indonesia ước tính sẽ giảm xuống còn 30 triệu tấn trong năm nay từ mức 31 triệu tấn của năm ngoái. Bên cạnh đó, vụ thu hoạch lúa năm 2024 có thể bị chậm khoảng hai tháng, khiến lượng cung thêm thiếu hụt và giá cả tăng.

Ngoài El Nino, ông Amran cho rằng các cuộc xung đột địa chính trị cũng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, do gián đoạn hoạt động phân phối và gây ra hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lương thực.

Bộ trưởng Amran cũng lưu ý rằng giá cả lương thực đã tăng cao sau đại dịch COVID-19, điều có thể dẫn đến tình trạng khẩn cấp về lương thực toàn cầu và có khả năng đe dọa sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội ở Indonesia.

Để đối phó với các thách thức trên, ông Amran kêu gọi hành động ngay lập tức để thúc đẩy sản xuất lương thực. Ông nhấn mạnh: “Cần đẩy nhanh việc gia tăng sản lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân.”

Trước dự báo sản lượng gạo sụt giảm, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã tiết kiệm khoản chi 1.000 tỷ rupiah (63,7 triệu USD) từ tổng ngân sách 15.000 tỷ rupiah của năm nay để cấp thêm tài chính cho Tổng cục Cây lương thực.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp cũng đề xuất Hạ viện và Chính phủ bổ sung thêm 5.830 tỷ rupiah cho ngân sách năm tới, nhằm đẩy mạnh trồng trọt và gia tăng sản lượng lúa gạo và ngô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục