Indonesia kỳ vọng thổi luồng gió mới vào lĩnh vực tài chính Hồi giáo

Indonesia quyết tâm thúc đẩy tài chính Hồi giáo trong bối cảnh người dân nước này đang ngày càng trở nên giàu có cộng với tâm lý sùng đạo dâng cao ở nhiều tầng lớp trong xã hội.
Indonesia kỳ vọng thổi luồng gió mới vào lĩnh vực tài chính Hồi giáo ảnh 1(Nguồn: gbgindonesia.com)

Hồi đầu năm nay, giới chức trách Indonesia đã công bố kế hoạch “Thúc đẩy Tài chính Hồi giáo” kéo dài trong 5 năm trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh lĩnh vực ngân hàng Hồi giáo tại nước này.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có số dân Hồi giáo lên đến 225 triệu người, song con số này chưa đủ để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực tài chính Hồi giáo tại đây.

Cụ thể, lĩnh vực này tại quốc đảo vẫn đang rất yếu thế với quy mô chiếm chưa đến 5% tổng tài sản ngân hàng của đất nước, so với mức lần lượt là 25% và 50% tại Malaysia và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn tin rằng đây là thời điểm tốt để “thổi một luồng gió mới” vào lĩnh vực tài chính Hồi giáo, trong bối cảnh người dân Indonesia đang ngày càng trở nên giàu có hơn sau nhiều năm kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo đó là tâm lý sùng đạo đang ngày càng dâng cao tại các tầng lớp trong xã hội.

Nasirwan Ilyas, một quan chức cấp cao thuộc bộ phận ngân hàng Hồi giáo của Cơ quan kiểm soát và giám sát lĩnh vực dịch vụ tài chính của Indonesia (OJK), cho biết đây là “một cơ hội để các ngân hàng Hồi giáo trở nên lớn mạnh hơn.”

Chính phủ Indonesia hy vọng rằng khoảng 40% dân số đất nước hiện đang không sở hữu tài khoản ngân hàng sẽ sớm mở một tài khoản.

Trước đó, OJK đã công bố một lộ trình “Thúc đẩy Tài chính Hồi giáo,” trong đó có kế hoạch giáo dục công chúng về các hệ thống ngân hàng hoạt động theo luật Hồi giáo (Sharia).

Ngoài ra, chính phủ cũng dự định thành lập một Ủy ban Tài chính Hồi giáo (NIFC) trong năm nay để kiểm soát tốt hơn lĩnh vực này bằng cách kết nối các đại diện từ nhiều chính phủ khác nhau và trở thành một điểm liên lạc cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Chưa dừng lại ở đó, Jakarta cũng lên kế hoạch hợp nhất các chi nhánh Hồi giáo của bốn ngân hàng quốc doanh nước này để thành lập một ngân hàng Hồi giáo lớn có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn hệ thống cho vay Hồi giáo hiện nay.

Một trong những điểm đáng lưu ý của hệ thống ngân hàng hoạt động theo luật Hồi giáo (Sharia) là cấm áp dụng lãi suất trong các giao dịch hoặc cấm đầu tư vào các doanh nghiệp “phi Hồi giáo” (chẳng hạn các doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn hoặc rượu).

Những ngân hàng hoạt động theo luật Sharia thường sẽ áp dụng mô hình “cùng chia sẻ" có nghĩa là khách hàng sẽ được tri ân nếu ngân hàng làm ăn phát đạt và mất tiền nếu ngân hàng làm ăn thua lỗ.

Nhược điểm của hệ thống ngân hàng này là thường có lợi tức đầu tư thấp hơn và cung cấp ít dịch vụ hơn so với các ngân hàng thông thường khác do quy mô nhỏ, thậm chí nhiều cửa hàng còn không chấp nhận thẻ ghi nợ của các ngân hàng Hồi giáo.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, lĩnh vực ngân hàng Hồi giáo vẫn chứng tỏ được sức hút của mình, với mức tăng trưởng trung bình trên 40% mỗi năm trong giai đoạn 2008-2012./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục