Indonesia: Số thương vong lên tới hơn 700 người

Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter tại khu vực quần đảo Mentawai và vụ núi lửa Merapi phun trào đã làm hơn 700 người thương vong.
Số liệu chính thức về con số thương vong của người dân tại hai khu vực vừa bị thảm họa thiên nhiên ở Indonesia cho đến sáng 30/10 đã là hơn 700 người.

Tại khu vực quần đảo Mentawai thuộc tỉnh Tây Sumatra, nơi phải hứng chịu động đất mạnh 7,7 độ Richter và sóng thần cao 2-8m, số người chết được thống kê là 413 và 298 người mất tích, trên 310 người bị thương, trong đó khoảng 270 người bị thương rất nặng và hàng nghìn người mất nhà cửa và tài sản.

Tại khu vực núi lửa Merapi phun trào thuộc tỉnh Trung Java, số người thiệt mạng dừng ở con số 33, song còn hàng chục người bị bỏng nặng đang phải điều trị.

Trong mấy ngày qua, đã có hơn 1.250 tình nguyện viên được điều động tới khu vực Mentawai và thành phố Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra để tham gia cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm những người còn sống sót hoặc thu thập thi thể những người bị nạn.

Hàng chục nghìn tấn hàng cứu trợ đã được chuyển tới Mentawai, song việc đưa hàng cứu trợ đến tay những người dân ở đây vẫn rất khó khăn vì thời tiết xấu. Có thể còn nhiều người bị thương không được ăn, uống suốt mấy ngày qua do các nhân viên cứu hộ và các tình nguyện viên chưa tiếp cận được.

Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia Firman Hasan cho biết hiện rất cần những tàu biển lớn để chở hàng cứu trợ tới Mentawai, cũng như lực lượng y, bác sĩ để điều trị cho những người bị thương.

Theo các chuyên gia y tế, sau khi điều trị những tổn thương thân thể, nhiều người dân ở đây còn cần được điều trị những tổn thương về tinh thần vì hiện tại, họ bị mắc chứng hoảng loạn sau những gì đã xảy ra.

Chính quyền đã cho xây dựng các khu lán tạm trú cho hàng nghìn người mất nhà cửa. Tổng thống Yudhoyono sau khi thị sát vùng thảm họa Mentawai đã chỉ thị cho các cấp chính quyền tìm những nơi an toàn hơn để tái định cư cho người dân địa phương.

Tại khu vực núi lửa Merapi, nhà chức trách đã dùng loa phóng thanh để khuếch đại tiếng trống báo động cho người dân mỗi khi có dấu hiệu núi này hoạt động.

Mặc dù lệnh báo động đỏ vẫn được duy trì, song một vài người dân đã liều lĩnh quay lại nhà của mình để tìm các con vật nuôi hoặc ra đồng cắt cỏ và chỉ về khu tạm trú vào ban đêm. Vì vậy, trong ngày 29/10, khi núi lửa Merapi hoạt động trở lại, vẫn có thêm người thiệt mạng.

Các chuyên gia cho biết việc dự đoán hoạt động của núi lửa là rất khó khăn. Merapi trước đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, song những năm gần đây, nó lại được đánh giá là không có khả năng bùng nổ vì vào đợt phun trào năm 2006, dòng nham thạch nó phun ra với tốc độ rất chậm.

Nhưng trong ngày 26 và 29/10 vừa qua, núi lửa này đã bất ngờ hoạt động rất mạnh, phun khói bụi với tốc độ 300 km/h và cao tới 1,5-3 km và dòng nham thạch nóng tới trên 600 độ C.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý núi lửa Indonesia ngày 29/10 cho biết, có 21 trong tổng số 68 núi lửa ở nước này đang trong trạng thái bất ổn, trong đó có 18 núi lửa thuộc trạng thái cảnh báo, có thể phun trào bất cứ lúc nào.

Ngày 29/10, núi lửa Krakatau tại tỉnh Tây Java và núi lửa Papandayan tại tỉnh Lampung xuất hiện trạng thái bất thường, có khả năng phun trào. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục