Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 29/8, hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã đình công biểu tình tại một số địa điểm trong thành phố nhằm yêu cầu chính phủ và các tập đoàn chú ý đến phúc lợi và sự bảo vệ pháp lý của tài xế.
Các tài xế xe ôm công nghệ tham gia biểu tình ngày 29/8 gồm những tài xế làm việc cho các hãng công nghệ Grab, Gojek, Maxim, Shopee và Lalamove trên địa phận Jakbodetabek (gồm thủ đô Jakarta và 4 thành phố vệ tinh).
Các tài xế đã biểu tình tại Cung điện Merdeka, văn phòng Gojek tại Petojo và văn phòng Grab tại Cilandak.
Các tài xế thuộc các hãng công nghệ thông báo không nhận đơn hàng vào ngày 29/8 để thực hiện biểu tình tại một số địa điểm. Lý do của cuộc đình công là các tài xế cảm thấy có sự bất công giữa các công ty ứng dụng và tài xế.
Những người biểu tình cũng yêu cầu các nền tảng xóa bỏ quy định tùy chọn đình chỉ, hoãn lại và chấm dứt quan hệ đối tác từ phía tập đoàn thuê lao động.
Phát biểu họp báo trước khi diễn ra cuộc biểu tình, Trưởng phòng giao thông Jakarta, Igun Wicaksono, cho biết: “Các cuộc biểu tình xuất phát từ việc thiếu giải pháp từ các nền tảng (giao thông trực tuyến) và các biện pháp trừng phạt cứng rắn từ chính phủ.”
Theo ông Igun, các tài xế xe ôm công nghệ hiện không có tư cách pháp lý để được bảo vệ.
Ông Igun hy vọng các công ty công nghệ trực tuyến tôn trọng nguyện vọng của các đối tác như một phần của các đề xuất cần thiết trước khi áp dụng các chính sách có liên quan.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Vận tải Indonesia (SPAI), bà Lily Pujiati cho biết cuộc biểu tình của tài xế công nghệ trực tuyến nhằm yêu cầu các nền tảng trực tuyến đáp ứng phúc lợi của các đối tác.
Các cuộc biểu tình của người dân, bao gồm cả những người làm việc trên nền tảng như tài xế xe ôm, taxi trực tuyến và người chuyển phát nhanh, đã diễn ra trong thời gian dài ở nhiều thành phố khác nhau. Họ yêu cầu phúc lợi, điều kiện làm việc nhân đạo và mức lương xứng đáng.
Theo bà Lily, thu nhập của các tài xế công nghệ đang giảm do cuộc chiến giá cước giữa các nền tảng như Gojek, Grab, Maxim, Shopee, Indrive, Lalamove, Borzo và các nền tảng khác. Các nền tảng này tùy tiện đặt mức giá thấp vì họ coi mối quan hệ với nhân viên (tài xế, người giao hàng) là quan hệ đối tác.
Với tư cách đối tác này, tài xế và người giao hàng mất quyền của người lao động. Theo bà, tài xế và người giao hàng buộc phải làm việc hơn 8 giờ, khiến họ dễ bị mệt mỏi và tai nạn lao động.
Bà Lily cho biết thêm, chưa kể đến tình trạng tài xế công nghệ không được trả lương tháng xứng đáng vì chỉ được thưởng theo đơn hàng của khách hàng. Thậm chí, những người phụ nữ lái xe công nghệ thường bị bỏ qua quyền lợi trong thời kỳ mang thai, sinh nở./.