Indonesia thông qua Luật ngăn chặn tài trợ khủng bố

Quốc hội Indonesia thông qua Luật ngăn chặn tài trợ khủng bố nhằm ngăn chặn việc cung cấp, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cực đoan.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Quốc hội Indonesia vừa thông qua Luật ngăn chặn tài trợ khủng bố nhằm tăng cường giám sát các hoạt động giao dịch tài chính để ngăn chặn việc cung cấp, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cực đoan.

Bộ trưởng Tư pháp và Nhân quyền Indonesia Amir Syamsuddin cho biết những nỗ lực tăng cường chống khủng bố của nước này đã đem lại những kết quả tích cực khi không xảy ra một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nào kể từ sau vụ đánh bom hai khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton ở thủ đô Jakarta năm 2009.

Tuy nhiên, ông Amir Syamsuddin nhấn mạnh sự thay đổi phương thức hành động của các tổ chức và phần tử cực đoan trong nước với các hoạt động quy mô nhỏ lẻ, như đánh bom tự sát, tấn công các nhân viên thực thi pháp luật...

Các mối nguy hiểm gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đòi hỏi Indonesia phải tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống khủng bố.

Theo ông, Luật ngăn chặn tài trợ khủng bố đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực này, đồng thời giúp tăng cường hợp tác quốc tế của Indonesia trong ngăn tài trợ khủng bố.

Chủ tịch Ủy ban III về pháp luật, nhân quyền và an ninh của Quốc hội Indonesia Adang Daradjatun, nguyên Phó Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, cho biết đạo luật trên quy định những hình phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức hoặc công ty bị kết tội tài trợ cho các hoạt động khủng bố, cho phép đóng băng tài sản của các đối tượng bị nghi ngờ tài trợ khủng bố ở trong nước và nước ngoài, đồng thời bảo vệ pháp lý cho công dân, đảm bảo không vi phạm quyền dân sự hay nhân quyền.

Trong số các điều khoản quan trọng của đạo luật trên là quy định án tù tối đa 15 năm đối với bất cứ cá nhân nào bị kết án tài trợ hoặc tìm cách tài trợ cho hoạt động khủng bố, trong khi các công ty phạm tội tương tự phải đối mặt với mức tiền phạt lên tới 100 tỷ rupia (khoảng 10,4 triệu USD), đồng thời có khả năng bị tịch thu tài sản, thu hồi giấy phép hoạt động hoặc buộc phải giải thể.

Theo luật trên, chính phủ các nước có thể yêu cầu Indonesia đóng băng tài khoản của các cá nhân hoặc công ty nước ngoài bị nghi ngờ tham gia các hoạt động khủng bố. Luật cũng yêu cầu các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác cũng như Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch tài chính (PPATK), cơ quan giám sát chống rửa tiền của chính phủ, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát các giao dịch đáng ngờ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục