Indonesia xác nhận chính sách ngoại giao tích cực

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia khẳng định tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tích cực và có trách nhiệm trong 2012.
Ngày 4/1, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tích cực và có trách nhiệm trong năm 2012.

Bộ trưởng Marty đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo thường niên đầu năm mới 2012 tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Jakarta với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao, đại sứ các nước tại Indonesia, đại diện các đoàn ngoại giao và phóng viên các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Marty đã thay mặt Bộ Ngoại giao và Chính phủ Indonesia chân thành cảm ơn sự hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ của cơ quan đại diện ngoại giao các nước, các cơ quan thông tin đại chúng trong nước và quốc tế đã góp phần quan trọng tạo nên thành công của ngoại giao Indonesia nói riêng và đất nước Indonesia nói chung, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2011.

Theo ông Marty, trong năm qua Indonesia luôn thực hiện chính sách ngoại giao nhất quán, có trách nhiệm, phù hợp với những thay đổi trên chính trường khu vực và toàn cầu, đồng thời đáp ứng với những thách thức đang nổi lên trên cơ sở đảm bảo các lợi ích quốc gia.

Các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của Indonesia đều hướng tới mục tiêu tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng chung; thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại và đối tác chiến lược.

Ngoài ra, Indonesia cũng đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế, góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng nhanh (trên 6%), giữ lạm phát trong tầm kiểm soát (3,9%), nâng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 tỷ USD, thu hút gần 7 tỷ USD kiều hối, 17,3 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng...

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2011, Indonesia không chỉ tiếp tục phát huy những thành công của ASEAN đạt được trong năm 2010 khi Việt Nam làm Chủ tịch, mà còn nâng cao vai trò và vị thế của hiệp hội. Cụ thể, Indonesia đã đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN trước những thách thức truyền thống và phi truyền thống như ứng phó với khủng hoảng kinh tế thế giới, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng.

Ngoài ra, ASEAN cũng đã thành lập Quỹ an ninh lương thực ASEAN, Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN nhằm đảm bảo giải quyết mọi bất đồng trong ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài bằng cơ chế đàm phán hòa bình.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Myanmar; làm trung gian giải quyết tranh chấp biên giới Thái Lan-Campuchia; tăng cường đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề an ninh hàng hải và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua việc thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng những chỉ dẫn hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong năm 2011, ASEAN cũng đã thúc đẩy hội nhập quốc tế theo tinh thần "ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu"; củng cố vai trò hướng lái của ASEAN trong cấu trúc khu vực Đông Á đang định hình; thúc đẩy các nước tham gia Khu vực phi vũ khí hạt nhân ASEAN; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN với việc thu hút sự quan tâm và tham gia của các nước lớn (trong đó có Nga và Mỹ) vào các diễn đàn của ASEAN như ARF, EAS...

Bộ trưởng Marty cho biết chính sách ngoại giao trong năm 2012 của Indonesia sẽ tiếp tục kế thừa tinh thần của chính sách ngoại giao trong năm 2011. Indonesia sẽ tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy ASEAN hướng tới một Cộng đồng ASEAN vì người dân và lấy người dân làm trung tâm vào năm 2015, nâng cao vị trí và vai trò của Indonesia trong khu vực và trên toàn cầu; thông qua các diễn đàn như ASEAN, APEC, G-20, Liên hợp quốc…

Thúc đẩy hòa bình và dân chủ với việc tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập; ủng hộ tiến trình dân chủ ở Myanmar, khu vực Trung Đông và Bắc Phi; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đối phó với các thách thức chung và duy trì một môi trường khu vực hòa bình, ổn định và an ninh, trong đó có Biển Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục