Italy-Azerbaijan nhất trí tăng quan hệ song phương

Sự hợp tác hiệu quả giữa Italy và Azerbaijan trong lĩnh vực năng lượng đã giúp củng cố mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước.
Sự hợp tác hiệu quả giữa Italy và Azerbaijan trong lĩnh vực năng lượng đã giúp củng cố mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước và hai bên mong muốn đưa mối quan hệ song phương này lên tầm cao mới.

Đây là tuyên bố của Thủ tướng Italy Enrico Letta được đưa ra sau cuộc hội đàm ngày 11/8 tại thủ đô Bacu với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, nhân chuyến thăm chính thức quốc gia Trung Á này.

Thủ tướng Italy nhấn mạnh quyết định lựa chọn tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Adriatic làm tuyến vận chuyển dầu khí đốt của Azerbaijan tới châu Âu là "đặc biệt quan trọng đối với Italy và hầu hết các nước châu Âu." Sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này giúp củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

Về phần mình, Tổng thống Aliyev cho rằng mối quan hệ Italy-Azerbaijan rất rộng, bao hàm tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế... đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, không chỉ mở ra trang sử mới trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước mà còn trong quan hệ giữa Azerbaijan và Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Aliyev, trong thời gian qua, mối quan hệ đối tác giữa Italy và Azerbaijan đã phát triển rất tích cực. Do vậy, hai bên hiểu rằng đã đến lúc cần phải đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Hồi tháng 2, tại thủ đô Athens của Hy Lạp, các quan chức đại diện của Azerbaijan cùng Anbani và Italy đã ký thỏa thuận về xây dựng Tuyến đường ống dẫn khí đốt qua Biển Adriatic (TAP). Dự án sẽ góp phần đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng tại khu vực châu Âu.

Dự án TAP sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuyến đường ống này dài 800km, có thể tăng công suất vận chuyển từ 10 tỷ mét khối/năm lên 20 tỷ m3/năm, sau khi các trạm nén khí tại Hy Lạp và Anbani được xây dựng.

TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phương Nam mà Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng, có thể vận chuyển khối lượng đáng kể khí đốt từ khu vực Caspi tới châu Âu thông qua một mạng lưới đường ống không đi qua Nga./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục