Italy hướng về chủ nghĩa đa phương để củng cố vị thế quốc tế

Một bài kiểm tra khắt khe mà chính phủ Italy đã phải đối mặt trong năm 2021 với vai trò chủ tịch của G20, đã thu được những kết quả đáng kể và được công nhận rộng rãi.
Italy hướng về chủ nghĩa đa phương để củng cố vị thế quốc tế ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome, Italy ngày 30/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài phân tích được đăng trên trang mạng Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI) mới đây, việc được ngồi cùng bàn với các "nước lớn" trên thế giới là mối quan tâm thường xuyên của ngành ngoại giao Italy kể từ giữa những năm 1970.

Sau cuộc khủng hoảng của hệ thống Bretton Woods, kỷ nguyên của các hội nghị thượng đỉnh đã bắt đầu. Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), vốn chỉ phản ánh "hệ thống phương Tây," đã được Nga gia nhập để trở thành G8 trong một thời gian ngắn.

Sau đó là Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với vai trò toàn cầu, bên cạnh với một loạt các diễn đàn khác.

Ngày nay, việc Italy tham gia một nhóm như G7 có vẻ như hiển nhiên, nhưng cần nhớ rằng nhóm G7 được thành lập vào năm 1975 ban đầu chỉ là một tổ chức không chính thức gồm 4 quốc gia (Mỹ, Pháp, Đức và Anh), sau đó Nhật Bản, Italy và Canada được chào đón gia nhập. Việc G7 kết nạp Italy hoàn toàn không phải là tự động.

Thay vào đó, nó là kết quả của một hoạt động ngoại giao khôn ngoan. Cũng không nên bỏ qua việc một cường quốc tầm trung khác là Tây Ban Nha không phải là thành viên của G20, mà chỉ là khách mời lâu dài.

["Vận mệnh" Italy khi Thủ tướng Mario Draghi trở thành Tổng thống]

Sự hiện diện của Italy trong các tổ chức hợp tác này, nơi các vấn đề toàn cầu được giải quyết, rõ ràng không chỉ là vấn đề về địa vị và uy tín quốc tế. Trên thực tế, những tổ chức này là “bản lề” ngày càng quan trọng của hệ thống “quản trị toàn cầu.”

Việc tham gia các tổ chức đó thực sự có thể cho phép Italy tác động đến các chiến lược ở một mức độ đáng kể để giải quyết các vấn đề then chốt cho tương lai của hành tinh.

Trong trường hợp của G7 và G20, bài kiểm tra quan trọng là cách các nước thành viên xử lý nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên hàng năm khi đến lượt họ.

Điều này nói lên rất nhiều, không chỉ về kỹ năng tổ chức mà còn về việc dàn xếp và thúc đẩy các sáng kiến và thông lệ hợp tác mới.

Một bài kiểm tra khắt khe mà chính phủ Italy đã phải đối mặt trong năm 2021 với vai trò chủ tịch của G20, đã thu được những kết quả đáng kể và được công nhận rộng rãi.

Vòng thứ ba của chính sách đối ngoại Italy

Cam kết tại các diễn đàn toàn cầu là một phần của "vòng thứ ba" - vòng ngoài cùng trong chính sách đối ngoại của Italy.

Trong số đó, các hình thức hợp tác có tầm quan trọng sống còn đối với sự ổn định của các quan hệ quốc tế, nhưng ít sát sườn hơn nhiều so với những hình thức hợp tác đặc trưng của hai vòng còn lại là châu Âu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, thuật ngữ này gây hiểu lầm vì phạm vi toàn cầu bao gồm rất nhiều các cơ quan, thỏa thuận và chế độ hợp tác, được quy cho một hệ thống quản trị thực sự thống nhất và duy nhất.

Đương nhiên, Liên hợp quốc vẫn là nền tảng cơ bản mà ngành ngoại giao Italy luôn hoạt động đặc biệt tích cực trên quan điểm coi trọng lợi ích quốc gia.

Italy đã thực hiện nhiều sáng kiến trong việc cải tổ Liên hợp quốc và triển khai các cuộc canh tranh ngoại giao định kỳ để được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Song cán cân trên thế giới đã thay đổi. Italy, giống như các nước phương Tây khác, đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của các cường quốc mới. Điều này thể hiện ở sự suy giảm tương đối của họ trong nhiều khía cạnh, chủ yếu nhưng không giới hạn ở kinh tế và nhân khẩu học. Do đó, để duy trì vị thế toàn cầu của mình, Italy phải đối mặt với tình trạng cam kết quá sức, cũng do sự khan hiếm các nguồn lực sẵn có.

Tại trụ sở Liên hợp quốc, Chính phủ Italy đang tập trung hơn hết vào đóng góp của nước này cho các hoạt động khác nhau của Liên hợp quốc. Phần "sáng" là những hoạt động tích cực về ngoại giao và việc nước này tham gia rộng rãi các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Song một số phần ít "tươi sáng" hơn là lượng ngân quỹ ít ỏi dành cho viện trợ phát triển, sự chậm trễ trong việc chuyển đổi các quy tắc nhất định của luật pháp quốc tế của Italy.

Vai trò dẫn đầu tại châu Âu

Các cam kết quốc gia này vẫn cần thiết, nhưng có một hướng đi khác không kém phần quan trọng là hướng đi châu Âu. Italy, giống như các nước châu Âu khác, sẽ khó có thể duy trì vai trò quốc tế của mình nếu khả năng "tối đa hóa ảnh hưởng tập thể" của Liên minh châu Âu (EU) - theo cách nói của Ủy ban châu Âu - không được củng cố.

Trên thực tế, một quốc gia thành viên EU không thể hy vọng duy trì vị thế của mình nếu không tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng quốc tế của khối.

Các thành viên EU cần có các cơ chế phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong nhiều vấn đề chính sách đối ngoại. Họ cần xây dựng một hệ thống đại diện tập thể rộng rãi và sâu sắc hơn trong các cơ quan quốc tế và tại các diễn đàn, chẳng hạn như G20, và trong các cuộc thương thuyết.

Đặc biệt, sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các chính sách tích hợp bên trong và các hành động bên ngoài là điều kiện cần thiết. Mục tiêu là đưa EU - và thông qua đó là các quốc gia thành viên - có thể đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực nhằm đưa ra các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu cho một loạt lĩnh vực ngày càng có tầm quan trọng như đổi mới sáng tạo, tài chính mới, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các hoạt động không gian.

Tham vọng của EU để trở thành điểm tựa của một chủ nghĩa đa phương “bao trùm” mới sẽ chỉ nằm trên giấy nếu các công cụ mới không được chuẩn bị để đảm bảo sự phối hợp và gắn kết hơn.

Vì thế theo nhiều khía cạnh, việc bảo vệ vị thế quốc tế của Italy là một trong những cam kết về củng cố hệ thống quan hệ đối ngoại của EU. Đó là hai tuyến hành động có khả năng hội tụ: một EU mạnh hơn và có ảnh hưởng hơn trên thế giới có thể mang lại cho Italy nhiều cơ hội hơn để khiến tiếng nói của mình được lắng nghe ngay cả trong các tổ chức toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục