Các tổ chức bảo vệ động vật Italy vừa phát động một chiến dịch thỉnh cầu trên trang web Change.org nhằm thu thập chữ kí đòi chính phủ nước này phải ban hành lệnh cấm đốt các loại pháo có tiếng nổ quá lớn.
Theo những người thực hiện chiến dịch này, việc cấm trên có thể cứu hàng nghìn vật nuôi trong nhà khỏi cái chết vào đêm cuối năm vì tiếng nổ.
Một con số thống kê được đưa ra trên báo chí Italy cho thấy, trung bình cứ vào mỗi dịp Giao thừa, tiếng pháo là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết cho 5 nghìn thú cưng của các gia đình Italy.
Đó là chưa tính tới hàng nghìn thú cưng khác hoảng sợ bỏ chạy khỏi nhà trong những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Mỗi dịp năm mới, lực lượng cứu hỏa ở Italy lại bận rộn với việc cứu những chú chó, mèo bỏ trốn vào những nơi không ai ngờ tới vì tiếng pháo.
Chỉ tính riêng ở Rome, trong đêm Giao thừa năm ngoái, đã có hơn 200 cú điện thoại khẩn cấp từ các gia đình tới lực lượng cứu hỏa, nhằm đưa xe đến cứu những chú mèo của họ vì quá sợ đã trèo lên cây và không chịu xuống.
Những người bảo vệ động vật Italy cho rằng, việc đốt các loại pháo, từ pháo sáng cho đến pháo gây nổ, cần phải được coi như là một hình thức "đối xử tệ hại" đối với chó, mèo và các vật nuôi trong nhà khác.
Thỉnh cầu trên mạng viết: "Một quả pháo có thể gây ra stress và khiến chúng bỏ chạy khỏi nhà do tiếng nổ quá lớn, có thể dẫn đến việc chúng trở thành nạn nhân của các vụ đâm xe trên đường."
Thỉnh cầu kết luận, thứ tiếng nổ truyền thống duy nhất mà những người yêu động vật muốn nghe trong đêm Giao thừa là tiếng mở nút các chai vang nổ. Trong một thời gian ngắn, thỉnh cầu trên đã thu hút được hơn 10.000 chữ ký.
Các số liệu thống kê hàng năm cho thấy, đốt pháo không chỉ gây ra "thiệt hại" liên quan đến chó, mèo và các vật nuôi khác, mà còn gây ra nhiều chấn thương và thậm chí chết chóc cho người ở Italy.
Giao thừa 2014 là năm đầu tiên kể từ 2010, ở Italy không có trường hợp nào thiệt mạng vì pháo, nhưng cũng có tới 350 người được đưa vào bệnh viện do bị bỏng hoặc các thương tật khác trên cơ thể.
Trước đó, có 2 người chết và 361 trường hợp bị thương vì pháo trong đêm Giao thừa 2013, hầu hết xảy ra ở vùng Campania, miền Nam Italy. Việc đốt pháo sáng và pháo hoa cũng gây ra nhiều vụ cháy ở các địa phương của Italy trong đêm cuối năm.
Theo cảnh sát Italy, trong nhiều trường hợp, các vụ tai nạn xảy ra là do pháo kém chất lượng hoặc pháo rởm nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Năm nào, cảnh sát tài chính Italy cũng thu hàng chục tấn pháo nhập trái phép từ Trung Quốc.
Hiện tại, việc đốt pháo không bị cấm ở Italy. Việc cấm hay hạn chế pháo là do các chính quyền địa phương quyết định và không do chính phủ can thiệp./.