Kết luận của hội đồng bầu cử Quốc hội và HĐND

Ngày 4/4, Hội đồng bầu cử đã họp lần ba, cho ý kiến chỉ đạo về  tiếp tục triển khai chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIII, HĐND các cấp.
Ngày 4/4, Hội đồng bầu cử đã tiến hành phiên họp thứ ba để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Vietnam+ xin giới thiệu toàn văn như sau:

Sau khi nghe Báo cáo của Hội đồng bầu cử; Báo cáo của các Tiểu ban: Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo về bầu cử; Tiểu ban chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự - an toàn xã hội; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nghe ý kiến thảo luận của các vị thành viên Hội đồng; Hội đồng bầu cử có ý kiến như sau:

I. Đánh giá chung về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Hội đồng bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai công tác chuẩn bị bầu cử; phối hợp tốt trong công tác chỉ đạo, triển khai các bước của quá trình chuẩn bị bầu cử.

Hội đồng bầu cử và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 40 văn bản trả lời, hướng dẫn các địa phương về một số vấn đề liên quan đến công tác bầu cử; thành lập 10 đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, qua báo cáo cho thấy các địa phương đoàn đến giám sát đều thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thời gian, dân chủ, đúng pháp luật. Nhiều ý kiến của địa phương được tập hợp báo cáo kịp thời với Hội đồng bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .

Ba tiểu ban giúp việc Hội đồng bầu cử đã tích cực hoạt động. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với nhiều hình thức đa dạng, bảo đảm được yêu cầu đề ra; Website bầu cử đã được khai trương và cập nhật đầy đủ các văn bản, tài liệu chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bầu cử. Hội nghị triển khai công tác tiếp công dân đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của một số cơ quan Trung ương và địa phương để chủ động xử lý bước đầu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn-xã hội trên phạm vi cả nước đến nay ổn định và thường xuyên được cập nhật theo dõi, báo cáo kịp thời.

Ủy ban bầu cử, cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chỉ đạo triển khai tốt công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác tiếp nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu, công tác hiệp thương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đảm bảo dân chủ. Tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân so với tỷ lệ được bầu đạt cao, đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật (tính trung bình, với bầu cử đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ 2,17 lần; với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 1,87 lần).

Cơ cấu kết hợp cũng đạt được tỷ lệ cao hơn hướng dẫn của Trung ương; đối với đại biểu Quốc hội: tỷ lệ nữ là 31,12%, đại biểu trẻ tuổi là 25,97%, đại biểu là người dân tộc thiểu số 12,62%, đại biểu tôn giáo là 1,88%, đại biểu là người ngoài Đảng 19,61%; đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tỷ lệ nữ là 33,75%, trẻ tuổi là 20,15%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn chưa đồng đều, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội trên số đại biểu được bầu ở một số địa phương mới đạt 1,67 lần và chỉ đảm bảo vừa đúng số dư theo quy định; về ứng cử viên nữ có địa phương tỷ lệ đạt rất cao 75%, nhưng có địa phương tỷ lệ từ 20 đến dưới 30%.

Tương tự, với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có nơi tỷ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu chỉ đạt 1,58 lần; tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nơi trên 51% nhưng có nơi đạt dưới 20%, tỷ lệ trẻ tuổi có nơi đạt trên 53% nhưng có nơi đạt 10%. Một số địa phương có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cao. Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên, trong đó người ứng cử đại biểu Quốc hội có trình độ đại học trở lên chiếm 95,20%.

Nhìn chung, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo tiến độ triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Các cơ quan hữu quan, các vị thành viên Hội đồng bầu cử đã tích cực phối hợp kiểm tra, giám sát; các địa phương thực hiện nghiêm túc việc triển khai đúng tinh thần Thông báo số 412-TB/TW ngày 12/1/2011 của Ban chấp hành Trung ương về định hướng việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 16/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, cá biệt có tỉnh, thành phố thực hiện về cơ cấu định hướng và cơ cấu kết hợp chưa phù hợp với hướng dẫn.

II. Một số công việc trọng tâm tiếp tục triển khai trong thời gian tới

Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua đã đạt kết quả tốt; tuy nhiên, những công việc trong thời gian tới còn rất nhiều, có tính quyết định tới thành công của cuộc bầu cử. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn khoảng 1,5 tháng, trong khi khối lượng công việc lớn. Để đảm bảo cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, các ngành, các cấp, các địa phương cần khẩn trương tập trung làm tốt một số công việc sau:

- Bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, tạo điều kiện để cử tri phát huy được quyền và nghĩa vụ công dân trong xây dựng bộ máy Nhà nước, lựa chọn, bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các Tiểu ban giúp việc Hội đồng bầu cử cần tiếp tục tăng cường việc tham mưu, chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương giúp Hội đồng bầu cử giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh; phối hợp với các Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử nắm chắc tình hình triển khai ở các địa phương.

- Các địa phương tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các văn bản của Trung ương; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương triển khai cụ thể từng việc, trong từng khâu của công tác chuẩn bị bầu cử, không để sai sót trong quá trình triển khai, nhất là công tác nhân sự, công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Tập trung thực hiện tốt Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm đúng cơ cấu, tiêu chuẩn, số dư theo quy định của pháp luật. Sớm có kết luận về những vấn đề cử tri nêu ra đối với người ứng cử, rà soát kỹ hồ sơ người ứng cử để đảm bảo đúng tiêu chuẩn đại biểu theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo việc thành lập Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Tổ bầu cử; đặc biệt chú trọng tới thành lập Tổ bầu cử vì số lượng lớn (có khoảng 93.800 Tổ bầu cử), trực tiếp làm việc với cử tri, lại hoạt động trong thời gian ngắn, công việc phải làm cụ thể, khẩn trương nên cần quan tâm công tác tập huấn cho cán bộ của Tổ bầu cử về pháp luật, cách thức giải quyết tình huống trong ngày bầu cử…

- Chỉ đạo việc lập và niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách người ứng cử đúng thời hạn. Chú ý tới cử tri vừa đủ 18 tuổi, cử tri không xác định được ngày, tháng sinh.

- Chuẩn bị các phương án để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra như: thời tiết xấu bất thường; tình hình phức tạp về an ninh, trật tự; khiếu kiện đông người (những địa phương có điểm nóng về khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người cần sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm; kiên quyết xử lý tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng tới cuộc bầu cử).

- Tập trung công tác tuyên truyền với nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú, cả chiều rộng và chiều sâu, chú ý công tác tuyên truyền miệng trong nhân dân, tăng cường về thời lượng phát sóng, phát thanh, truyền hình, nhất là trước ngày bầu cử.

- Hội đồng bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương chú trọng công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai công tác bầu cử. Việc kiểm tra cần tiến hành thường xuyên đến tận cơ sở, tránh hình thức hoặc có tâm lý chủ quan, dễ dẫn đến sai sót.

- Một số vấn đề như bổ sung kinh phí phục vụ cho bầu cử, trang trí nơi bầu cử, xây dựng nội quy phòng bỏ phiếu, phù hiệu cán bộ phục vụ bầu cử… Hội đồng bầu cử giao cho các cơ quan tham mưu, giúp việc nghiên cứu và có hướng dẫn kịp thời, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Hội đồng bầu cử đề nghị các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong thời gian tới cần tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị bầu cử để đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thành công. Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử nếu có vướng mắc phát sinh, các ngành, các địa phương cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Hội đồng bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kịp thời giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục