Kết nối Canada-ASEAN: Việt Nam nêu một số đề xuất hợp tác

Doanh nghiệp hai bên có thể tăng kết nối trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt về năng lượng sạch và các ngành công nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Kết nối Canada-ASEAN: Việt Nam nêu một số đề xuất hợp tác ảnh 1Các diễn giả tham gia Hội thảo. (Ảnh: Quang Thịnh/TTXVN)

Ngày 29/7, Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học York đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề kết nối Canada-ASEAN, quy tụ các diễn giả đến từ Chính phủ Canada, chính phủ nhiều nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), lãnh đạo các doanh nghiệp, cùng đông đảo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thương mại và giáo dục.

Hội thảo đã đem đến một bức tranh đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa Canada với ASEAN trong hoạt động kinh doanh và lĩnh vực giáo dục, tạo cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ này trở nên sâu sắc hơn, gắn bó hơn trong tương lai.

Bà Rhonda L. Lenton, Chủ tịch Đại học York, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng chìa khóa để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bao trùm là sự hợp tác và chúng tôi tự hào về mối quan hệ lâu đời của mình với các cộng đồng Đông Nam Á ở Canada và nước ngoài. Chúng tôi cam kết mở rộng quan hệ đối tác với ASEAN và mong muốn khám phá những cơ hội hợp tác mới."

Là một diễn giả tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa ASEAN và Canada. Đại sứ bày tỏ hy vọng sự kết nối giữa doanh nghiệp hai bên không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, chuỗi cung ứng hàng hóa mà còn trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt về năng lượng sạch và các ngành công nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Doanh nghiệp các nước ASEAN và Canada cần tận dụng hơn nữa hiệp định đã có như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

[Canada nhất quán coi trọng, muốn nâng tầm quan hệ với ASEAN]

Đại sứ đề xuất trong lĩnh vực giáo dục, ngoài hoạt động trao đổi sinh viên, hai bên có thể tăng cường đào tạo hướng nghiệp và bồi dưỡng, cập nhật những quy định, luật lệ kinh tế cho các doanh nghiệp hai bên. Với hơn 20.000 du học sinh đang theo học ở Xứ sở lá phong, Việt Nam hiện đứng thứ năm về nguồn du học sinh nước ngoài tại Canada.

Trong lĩnh vực giao lưu nhân dân, hai bên không chỉ tập trung vào phát triển du lịch, mà cần tăng cường các hoạt động quảng bá ASEAN tại Canada và ngược lại.

Đại sứ Phạm Cao Phong bày tỏ cảm ơn việc Canada cam kết đóng góp 3,5 triệu CAD (hơn 2,7 triệu USD) cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 trong năm năm tới. Đại sứ đã đề nghị Canada tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN đang gồng mình ứng phó với làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19.

Kết nối Canada-ASEAN: Việt Nam nêu một số đề xuất hợp tác ảnh 2Ông Richard Le Bars, Trưởng phái đoàn ngoại giao của Canada tại ASEAN phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Thịnh/TTXVN)

Là đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 1977, Canada đã và đang đóng góp các nguồn lực quan trọng để thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực. Kể từ năm 2000, Canada đã cung cấp gần 3,7 tỷ CAD (hơn 2,9 tỷ USD) hỗ trợ phát triển tại ASEAN và các quốc gia thành viên.

Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Canada và ASEAN đạt 26,6 tỷ CAD (gần 21 tỷ USD) trong năm 2020, giảm nhẹ so với mức hơn 27 tỷ CAD (khoảng 21,4 tỷ USD) trong năm 2019 do tác động của đại dịch COVID-19. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, ASEAN là đối tác lớn thứ năm của Canada trong năm 2020.

Ông Richard Le Bars, Trưởng phái đoàn ngoại giao của Canada tại ASEAN, cho biết Canada đang tìm cách khởi động đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN. Một FTA giữa ASEAN-Canada có thể đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho ASEAN và Canada, không chỉ từ thương mại hàng hóa-dịch vụ và đầu tư, mà còn cả về quan hệ giao lưu nhân dân và giáo dục.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Leonard F. Hutabarat, Tổng lãnh sự của Indonesia tại Toronto, đánh giá trao đổi thương mại giữa Canada và 10 quốc gia thành viên của ASEAN đầy hứa hẹn. ASEAN đang nắm giữ nhiều lợi thế như tầng lớp trung lưu phát triển mạnh; lĩnh vực cơ sở hạ tầng mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư và hợp tác kinh tế trong nội khối được đẩy mạnh.

Thời gian qua, hoạt động đầu tư và thương mại của Canada ở Đông Nam Á không chỉ tăng mạnh về khối lượng, mà còn bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó có dầu khí, khai mỏ, công nghệ cao, viễn thông, chế biến thực phẩm, dịch vụ tài chính, hàng không,…

Hội thảo Kết nối Canada-ASEAN đã nêu bật những cơ hội quý giá mà mối quan hệ bền chặt giữa Canada-ASEAN có thể mang lại, đồng thời cung cấp nền tảng để các chính phủ, các trường đại học, và các quan chức trong ngành có thể chia sẻ thông tin, củng cố mối quan hệ đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục