Trong hai ngày 18 và 19/10, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tổ chức đoàn khảo sát, hội nghị đánh giá điểm đến, phát triển các chương trình du lịch liên kết Thành phố và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết nối những không gian văn hóa-sinh thái.
Ông Phan Đông Nhựt, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng đoàn khảo sát, cho biết thông qua chương trình, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp để định hình lại nhóm sản phẩm, dịch vụ của Thành phố và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình còn hướng đến mục tiêu tìm kiếm, xây dựng, chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ yêu cầu kết nối thị trường du lịch thành phố và khu vực này trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, chia sẻ là tỉnh tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Long An có lợi thế kết nối kinh tế, văn hóa, du lịch về mặt địa lý, giao thông, hạ tầng thương mại.
[Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kích cầu thị trường với sản phẩm nội đô]
Trên địa bàn có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch, hình thành hệ sinh thái kết nối kinh tế, văn hóa, du lịch như, có mạng lưới đa dạng di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh, cách mạng, tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đường sông.
Ở lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đưa vào hoạt động Cảng quốc tế Long An. Còn lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã định hướng phát triển nông nghiệp cao. Đây là những điểm đến mới ngành du lịch Long An muốn khai thác phục vụ tour, tuyến du lịch tại địa phương hoặc tour liên tuyến trong khu vực phía Nam.
Trên cơ sở này, ngành du lịch tỉnh có thể đảm bảo chiến lược vừa định vị lại thế mạnh du lịch địa phương vừa xây dựng thương hiệu du lịch với phong phú sản phẩm, dịch vụ mới gắn liền phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Long An, Đoàn khảo sát đã thăm ngôi chùa cổ Tôn Thạnh, cũng là nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng lưu trú và sáng tác Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc; tham quan Cảng Quốc tế Long An, Khu Liên hợp Dịch vụ cảng biển tại xã Tân Tập; mô hình du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao Chavi Garden...
Còn khi đến với Đồng Tháp, Đoàn khảo sát trải nghiệm tour "Bình minh Tràm Chim," Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đường Sách thành phố Cao Lãnh, làng chiếu Định Yên, làng hoa Sa Đéc...
Liên quan đến phát triển du lịch địa phương nói riêng, triển khai chương trình liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Quang Biểu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho hay địa phương thực hiện nhiều giải pháp nâng cấp lễ hội văn hóa phục vụ du lịch.
Điển hình, mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Lấp Vò đã tổ chức đêm diễn tái hiện Chợ chiếu ma Định Yên với sự dàn dựng và biểu diễn của 150 diễn viên.
Dự kiến tháng 12/2023, lần đầu tiên Lễ hội Hoa Sa Đéc được nâng tầm trở thành Festival Hoa Sa Đéc.
Trải nghiệm một số sản phẩm, dịch vụ du lịch địa phương, ông Huỳnh Quang Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty Phong cách Việt Travel, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mạng lưới điểm đến của một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là thiếu cơ sở lưu trú mà mới chỉ có trạm dừng chân cho du khách nên doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch gặp khó khăn khi đưa du khách về.
Song song đó, du lịch các địa phương vẫn phụ thuộc vào hệ sinh thái tự nhiên bản địa, chưa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng có thể thu hút và giữ chân du khách nghỉ lại qua đêm cũng như dài ngày.
Cùng quan điểm, nhiều doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, ngành du lịch các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch địa phương đến thị trường tiềm năng như khu vực phía Bắc hay đơn vị tổ chức tour, tuyến khách quốc tế.
Ngoài nỗ lực của ngành du lịch địa phương, cộng đồng du lịch, mỗi địa phương phải chủ động khai thác tài nguyên bản địa trở thành sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở liên kết, hợp tác với doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài nước.
Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường tiềm năng, có nhiều dư địa phát triển du lịch với hơn 32 triệu dân, cùng với đó là thị trường trọng điểm thu hút lượng lớn du khách quốc tế hằng năm.
Thời gian qua, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh hoạt động liên kết tập trung nhiều nội dung như quản lý nhà nước, sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, nhân lực và đầu tư.
Dự kiến cuối năm 2023, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp triển khai thêm từ 3-4 chương trình trọng điểm tại một số địa phương để gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch./.