Nhờ kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành ngân hàng sẽ xác thực khách hàng và làm sạch dữ liệu đã có trước đây. Khi số lượng người sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử gia tăng và có thêm nhiều dịch vụ thanh toán mới, phù hợp với nhu cầu của người dân, Ngân hàng Nhà nước khẳng định thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục phát triểm mạnh mẽ trong thời gian tới.
Để hiểu rõ hơn về kết quả kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng xung quanh vấn đề này.
Giao dịch không cần giấy tờ
- Ngân hàng Nhà nước cho biết đang quyết liệt triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ. Vậy xin ông cho biết của ý nghĩa kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư đối với ngành ngân hàng?
Ông Phạm Tiến Dũng: Dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng với ngành ngân hàng. Với việc kết nối sử dụng dữ liệu này, hệ thống ngân hàng sẽ làm sạch dữ liệu đã có trước đây, kiểm tra xác thực thông tin khách hàng. Nhờ đó, các ngân hàng nhận diện được các tài khoản mở bằng giấy tờ tùy thân giả, mạo danh… Đây là một trong các trường hợp có khả năng tội phạm sử dụng tài khoản thanh toán để nhận các khoản tiền lừa đảo, gian lận mà rất khó truy tìm thủ phạm trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, khi có dữ liệu đầy đủ, thông tin khách hàng được xác thực thì các ngân hàng cũng có thể nghiên cứu, triển khai cung ứng thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên nền tảng số.
[Chuyển đổi số quốc gia: Hoàn tất xác thực 25 triệu thông tin tín dụng]
Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngành ngân hàng đã bước đầu khai thác cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an đã hoàn thành đối soát 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện chúng tôi đang phối hợp để rà soát làm sạch thêm 16 triệu hồ sơ khách hàng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng Sáu này.
Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng phần mềm VNeID và triển khai kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.
- Vậy khách hàng được lợi gì khi ngân hàng thương mại kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Một số tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chíp để xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch, tại ATM…
Sau khi xác thực, khách hàng đến giao dịch những lần tiếp theo không cần mang giấy tờ gì, kể cả căn cước công dân gắn chip. Bởi thiết bị của ngân hàng nhận diện khách hàng bằng sinh trắc học qua vân tay, khuôn mặt. Nhờ đó, thời gian giao dịch được rút ngắn, hạn chế được rủi ro. Kết quả giai đoạn thử nghiệm đã được người dân đón nhận tích cực vì sự tiện lợi và an toàn khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Đến năm 2025, 80% dân số có tài khoản
- Việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới ra sao thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Chúng ta đều biết rằng việc nhận biết và xác minh chính xác khách hàng là điều kiện đầu tiên để ngân hàng quyết định cung ứng dịch vụ. Với việc làm sạch dữ liệu, ngân hàng định danh, xác minh chính xác khách hàng trên môi trường điện tử, từ đó hỗ trợ công tác quản trị, đánh giá rủi ro,.. để cải tiến đơn giản hóa quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích, thân thiện dưới nhiều phương thức đa dạng, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Với tốc độ tăng trưởng về tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán trong những năm gần đây, cá nhân tôi cũng tin tưởng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng mà Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã đặt ra.
Khi số lượng người sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử gia tăng và có thêm nhiều dịch vụ thanh toán mới, phù hợp với nhu cầu của người dân, tôi tin rằng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục phát triểm mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ở góc độ của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách gì thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Cụ thể, chúng tôi tập trung rà soát Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các Tổ chức tín dụng và Luật Phòng, chống rửa tiền để hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo các hệ thống thanh toán phải hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.
Để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, các ngân hàng cần tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động...
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước xác định tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán
Thêm nữa, công tác thông tin, tuyên truyền và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt là vô cùng quan trọng. Các phương thức thanh toán hiện đại, tiện ích qua điện thoại, mã QR, tài khoản Mobile - Money… đã khá phát triển.
Nhưng muốn có thêm nhiều người biết, tin tưởng và sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại này, theo tôi, ngoài việc phát triển sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người dùng, vẫn cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt.
Hình ảnh QRcode đã trở nên quen thuộc
- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong năm qua?
Ông Phạm Tiến Dũng: Có thể nói hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ. Giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng di động của ngân hàng hay trung gian thanh toán, chúng ta có thể hoàn toàn thoải mái đi mua sắm, ăn uống... mà không cần mang theo tiền mặt hay chiếc thẻ ngân hàng dạng vật lý. Từ siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là cả quán trà đá ở vỉa hè… hầu hết đều cho phép người tiêu dùng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa hay sử dụng dịch vụ.
Số liệu thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua các kênh di động đạt gần 65%, đặc biệt tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua phương thức QR code đạt hơn 160%. Hình ảnh QRcode đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, người dân có thể lựa chọn quét mã VietQR để chuyển tiền nhanh tới người thụ hưởng hoặc quét mã QRcode tại hơn 440.000 điểm chấp nhận thanh toán (merchant) trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, với việc ban hành quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử eKYC, nhiều ngân hàng đã triển khai cung ứng dịch vụ cho khách hàng mọi lúc mọi nơi và không cần gặp mặt đến phòng giao dịch ngân hàng. Đến cuối năm 2022, có hơn 10,8 triệu thẻ ngân hàng và11,9 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử đang hoạt động.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!