Chiến dịch tranh cử Hạ nghị viện Ấn Độ khóa 16 đã khép lại sau 10 tuần chính thức vận động tích cực của các chính đảng, tiến tới kết thúc cuộc bầu cử (được chia làm chín giai đoạn) vào ngày 12/5.
Tiến trình bầu cử Hạ nghị viện tại Ấn Độ bắt đầu từ ngày 7/4, với hơn 814 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn đi bầu cử để trực tiếp lựa chọn 543 Hạ nghị sỹ trong tổng số 8.230 ứng cử viên.
Hàng chục chính đảng ra tranh cử, với các chiến dịch tranh cử rầm rộ, song nổi bật nhất là chương trình vận động tranh cử của ba gương mặt mới là ứng cử viên Thủ tướng của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) - đứng đầu Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) đối lập, Thủ hiến bang Gujarat - Narendra Modi; ông Rahul Gandhi, Phó Chủ tịch đảng Quốc đại - đứng đầu Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền; và ông Arind Kejriwal, Chủ tịch đảng Aam Aadmi (AAP) - mới chính thức trở thành chính đảng tại Ấn Độ cuối năm 2012.
Theo thống kê của báo chí Ấn Độ, tính đến ngày 10/5, ông Modi đã phát biểu tại gần 480 cuộc míttinh trên toàn quốc, sử dụng hàng tỷ rupee cho in ấn yết thị, quảng báo trên đài truyền hình, phát thanh…để vận động tranh cử cho BJP và cho bản thân ông.
Đảng Quốc đại khởi động chiến dịch tranh cử có vẻ muộn hơn, song gia đình Gandhi - gồm bà Sonia Gandhi, con trai Rahul Gandhi và con gái Priyanka Gandhi, đã mở cuộc “phản công” mạnh vào các đối thủ. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Quốc đại hầu như thiếu sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo cấp cao khác trong đảng.
Trong khi đó, AAP - đảng đã giành được 28 ghế (đứng thứ hai) tại Viện lập pháp bang Delhi trong cuộc bầu cử tháng 12/2013, đang tham vọng trở thành một chính đảng quốc gia, đã tung 434 ứng cử viên ra tranh cử trên cả nước, nhiều hơn bảy ứng viên so với BJP. Tham vọng của AAP có thể quá lớn và không thực tế, song sự xuất hiện lần đầu tiên của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử có thể giảm số ghế của BJP và Quốc đại.
Ngày 12/5, cuộc tổng tuyển cử kết thúc và ngày 16/5 mới biết những người nào trong số 8.230 ứng cử sẽ được ngồi vào chiếc ghế Hạ nghị viện Ấn Độ khóa 16.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Ấn Độ đều cho rằng NDA, do BJP đứng đầu, sẽ giành được nhiều ghế nhất tại Hạ nghị viện, song liệu NDA có đủ đa số tối thiểu 272/543 ghế để thành lập chính phủ hay không là điều vẫn khó tiên lượng.
Một số nhà phân tích cho rằng NDA sẽ đạt được kết quả đó và đứng lên lập chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông Modi. Trong khi đó, một số nhà phân tích dự đoán NDA không đủ đa số tối thiểu và phải tranh thủ thêm sự ủng hộ của một số đảng nhỏ để thành lập chính phủ. Nếu NDA không lập được chính phủ, khả năng một mặt trận thống nhất (gồm nhiều chính đảng) sẽ lập chính phủ, với sự ủng hộ từ bên ngoài của Quốc đại, giống như kịch bản đã từng xảy ra năm 1996.
Hiện thị trường Ấn Độ phản ứng tích cực trước dự đoán BJP lên cầm quyền dưới sự lãnh đạo của ông Modi, với chỉ số trên các thị trường chứng khoán Ấn Độ trong những ngày cuối tuần tăng điểm rất mạnh.
BJP lâu nay được thị trường coi là có thái độ “thân thiện với nhà đầu tư” hơn đảng Quốc đại và có những hy vọng rằng nếu trở thành Thủ tướng, ông Modi sẽ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một thập niên qua.
Theo số liệu của Morgan Stanley, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm 22% cổ phiếu của các công ty niêm yết trên NSE sau khi mua ròng hơn 20 tỷ USD năm 2013 và khoảng hơn 4 tỷ USD từ đầu năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, mức nắm giữ cao của nhà đầu tư nước ngoài cũng dấy lên mối lo ngại về sự bất ổn đối với thị trường chứng khoán và đồng tiền Ấn Độ nếu họ rút vốn.
Các nhà môi giới thị trường vẫn lưu ý rằng kết quả bất ngờ có thể ảnh hưởng đến cả giá cổ phiếu và đồng rupee. Nếu BJP và NDA giành được đa số hoặc gần đủ đa số và ông Modi trở thành Thủ tướng thì cổ phiếu và đồng rupee sẽ lên giá.
Ngược lại, nếu BJP giành kết quả thấp trong cuộc bầu cử và ông Modi không trở thành Thủ tướng, một số nhà phân tích dự đoán giá cổ phiếu tại Ấn Độ có thể rớt 8-10% trong vòng một ngày và sau đó sẽ rớt tới 20%, giống như kịch bản đã từng xảy ra năm 2004, khi giới đầu tư bị sốc vì BJP thất cử./.