Theo báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (Hong Kong) số ra ngày 7/6, hai miền Triều Tiên ngày 6/6 đã nhất trí về việc tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong nhiều năm qua. Đây là dấu hiệu về khả năng đạt được bước đột phá trong các mối quan hệ giữa hai nước sau nhiều tháng leo thang căng thẳng quân sự.
Bình Nhưỡng đã bất ngờ đề nghị tiến hành các cuộc thảo luận về một loạt vấn đề từ thương mại đến nhân đạo, từ việc mở lại khu công nghiệp chung Kaesong đến việc khôi phục hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên. Với sự phản ứng nhanh chóng bất thường, Hàn Quốc đã kêu gọi tổ chức hội đàm cấp bộ trưởng vào ngày 12/6 tới ở Seoul và thúc giục Triều Tiên mở lại các kênh liên lạc phục vụ cho các cuộc thảo luận từ ngày 7/6.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae bày tỏ: “Tôi hy vọng đối thoại sẽ tạo động lực để Hàn Quốc và Triều Tiên cải thiện các mối quan hệ dựa trên cơ sở xây dựng lòng tin song phương”.
[Hàn Quốc chấp nhận đề nghị đối thoại của Triều Tiên]
Theo thông tin mới nhất từ hãng tin AFP, ngày 7/6, Triều Tiên cho biết nước này sẽ khôi phục đường dây nóng chính thức với Hàn Quốc, nhưng từ chối đề nghị của Seoul về việc tổ chức các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng ở Seoul vào tuần tới. Ủy ban Tái Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) cho biết đường dây nóng này - đã bị Triều Tiên cắt hồi tháng 3/2013 khi tình trạng căng thẳng quân sự giữa hai miền gia tăng - sẽ được khôi phục từ 2 giờ chiều ngày 7/6 (0500 GMT).
Việc khôi phục đường dây này, được sử dụng cho các cuộc trao đổi giữa hai chính phủ, sẽ tạo thuận lợi cho việc thảo luận về kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đã được đề xuất trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang tìm cách "hạ nhiệt" căng thẳng.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy còn nhiều khó khăn sẽ nảy sinh trước mắt, người phát ngôn của CPRK cho biết các cuộc hội đàm này nên diễn ra trên lãnh thổ của Triều Tiên và ở cấp thấp hơn chứ không phải là một cuộc đối thoại như đề xuất của Seoul. Trong một tuyên bố được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng tải, người phát ngôn của CPRK nói: "Quan điểm của chúng tôi là các cuộc tiếp xúc giữa nhà chức trách Triều Tiên và Hàn Quốc là cần thiết trước khi tiến hành các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng theo đề xuất của phía Seoul".
Người phát ngôn này cho biết thêm, thay vì được tổ chức tại thủ đô của Hàn Quốc, các cuộc hội đàm nên được tổ chức tại khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời ông đề xuất tổ chức các cuộc hội đàm vào ngày 9/6, sớm hơn 3 ngày so với thời gian đề xuất của Seoul. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ "xem xét" đề nghị này.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon - cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc - đã lên tiếng hoan nghênh thông báo về các cuộc hội đàm giữa hai miền Triều Tiên. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của ông Ban Ki-moon nói: "Đây là một diễn tiến đáng khích lệ, hướng tới việc giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, đã phản ứng một cách tích cực đối với diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ: “Trung Quốc hài lòng và hoan nghênh việc Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí khôi phục các cuộc tiếp xúc và đối thoại giữa hai nước”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích nói rằng cần phải thận trọng, đối thoại có thể vẫn tạo ra những chỗ bế tắc. Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm nắm thế chủ động, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng đề nghị của Bình Nhưỡng có khả năng dẫn đến một cuộc đối thoại chân thành”.
CPRK cho biết các chủ đề được thảo luận ban đầu sẽ là khu công nghiệp chung Kaesong, dự án đã bị đóng cửa vào thời điểm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lên cao và việc khôi phục các tour du lịch xuyên biên giới tới khu nghỉ mát núi Kumgang của Triều Tiên. Các vấn đề nhân đạo như đoàn tụ những gia đình bị ly tán sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng có thể được thảo luận. CPRK nói rằng một phản ứng tích cực sẽ đưa tới việc Triều Tiên xem xét rút bỏ những biện pháp mà nước này đã thực hiện khi các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên “tụt dốc” hồi tháng 4 vừa qua.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã hoan nghênh động thái nói trên của Triều Tiên. Bà nhấn mạnh: “Tôi hy vọng điều này sẽ là động lực để Hàn Quốc và Triều Tiên giải quyết những vấn đề tồn tại khác nhau thông qua đối thoại và xây dựng lòng tin”. Hàn Quốc đã đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề Kaesong và Seoul nhiều khả năng sẽ thận trọng trong việc nhất trí về một chương trị nghị sự với phạm vi rộng hơn.
Trong khi Tổng thống Park Geun-Hye nói tới sự cần thiết phải tiến hành đối thoại, nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố rõ ràng rằng các cuộc đàm phán quan trọng sẽ đòi hỏi Triều Tiên phải chứng tỏ cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng trước đó đã khẳng định rằng sức mạnh răn đe hạt nhân của họ không phải là vấn đề để thương lượng.
Chuyên gia phân tích Paik Hak-soon thuộc Viện Nghiên cứu Sejong ở Seoul nhận định: “Có thể có rắc rối trong việc thiết lập chương trình nghị sự, và việc nghi ngờ sự chân thành của Triều Tiên là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đây là một sự thay đổi phương hướng chiến lược tiêu biểu vì Triều Tiên đã đưa ra một cơ hội thực sự”./.