Sau sự cố đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn Nhà máy nước Sông Đà, mặc dù cả Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hoà Bình lẫn ông Tổng giám đốc Viwasupco đều khẳng định đã “dọn dẹp cơ bản” và “xong hết,” nhưng thực tế, tình trạng ô nhiễm vẫn hết sức ngổn ngang. Việc khắc phục sự cố đang dừng ở mức “lo ngọn, bỏ gốc.”
Sáng 14/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Bộ này cho hay: “Theo Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hòa Bình, dầu loang đã được thu gom cơ bản tại khu vực đầu nguồn nước sạch sông Đà.”
Đến chiều cùng ngày, khi trả lời báo chí, đến lượt ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Nhà máy nước sạch Sông Đà khẳng định, phía Viwasupco đã “thuê người xử lý vết dầu loang xong hết rồi.”
[Dầu thải bị đổ trộm xuống đầu nguồn nước sạch Sông Đà như thế nào?]
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế không hẳn như những lời nhận định chắc nịch kể trên. Trong cùng ngày các tuyên bố đã dẫn được đưa ra, chúng tôi đã trực tiếp đi ngược theo suối Khại (Kỳ Sơn, Hoà Bình) để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng ô nhiễm sau sự cố.
Ngay từ điểm xuất phát cách Nhà máy nước sạch Sông Đà không xa, nhóm phóng viên đã có thể dễ dàng ngửi thấy mùi chất thải khét lẹt và váng đầu. Càng đi sâu hơn về phía thượng nguồn, những dấu vết từ sự cố đổ dầu thải càng rõ rệt hơn. Dầu bám đen kịt hai bên bờ suối, dầu vương đầy cây cối hai bên đường.
Thực tế, sau khi phát hiện sự cố, Viwasupco đã huy động nhiều công nhân đồng thời thuê người dân địa phương vớt dầu. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa triệt để. Bằng chứng là tại vị trí cách điểm xuất phát chừng 1km, phóng viên tiếp tục phát hiện tình trạng dầu thải bị đọng lại thành những lớp dày từ 5-6cm và có thể dễ dàng bốc lên từng vốc bằng tay không.
Không dừng lại ở đó, một lượng lớn chất thải cũng đã bị lắng xuống lớp cát suối Khại, kết thành những vỉa đen rất dễ để nhận ra. Theo bước chân người, những quầng đen như mực lại sục lên, theo dòng nước chảy xuống hạ nguồn. Càng tiến về phía thượng nguồn, tình trạng ô nhiễm càng trở nên rõ rệt hơn.
Để ngăn chặn phần nào dầu thải, một chiếc đập thô sơ cũng đã được dựng lên với kết cấu chính là hàng chục bao tải cát, cây rừng xếp chồng lên nhau, chắn ngang dòng chảy. Tuy nhiên, con đập tỏ ra khá bất lực khi nước vẫn hàng giờ chảy tràn qua, mang theo chất thải tiến về hướng kênh dẫn nước Viwasupco.
Đáng chú ý nhất, tại vị trí phát hiện dầu đổ trộm, công tác khắc phục cũng tỏ ra khá thô sơ. Một lớp cát dày được đổ xuống mép đường, che kín một phần đường chảy của dầu. Mặc dù vậy, lớp cát này cũng chỉ có chiều dài khoảng 3m. Phía dưới, đất đá nhiễm dầu vẫn nằm trơ trơ... chờ mưa lớn cuốn nốt những lớp dầu thải còn vương vãi xuống suối nguồn.
Điều kỳ lạ là trong suốt thời gian lần theo suối Khại, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của bất kỳ một công nhân nào từ phía Viwasupco tiến hành xử lý, khắc phục sự cố trên dòng suối này. Kết quả nhãn tiền là sau gần 1 tuần, chất thải vẫn vương vãi, ngổn ngang. Nước suối Khại vẫn khét lẹt mùi dầu và dần dần trở thành dòng suối chết.
Trong khi đó, báo cáo về việc xử lý sự cố dầu thải với Sở Xây dựng Hà Nội, Viwasupco cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian.
Viwasupco cũng sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao. Cửa kênh nhận nước, dẫn nước từ hồ Đầm Bài đến Trạm bơm hồ được chắn rác tại cuối kênh.
Về xử lý công nghệ, Viwasupco tiến hành chắn bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý, cũng như tăng hóa chất xử lý, trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.”
Không khó để nhận ra, Nhà máy nước sạch Sông Đà mới đang chủ yếu thực hiện những động thái ngăn không cho ô nhiễm ảnh hưởng tới hoạt động của mình chứ chưa thực sự khắc phục triệt để nguồn gây ô nhiễm.
Trong khi chờ đợi những hành động quyết liệt hơn để giải quyết sự cố từ nhiều phía, dòng suối Khại vẫn sẽ cứ “ngậm dầu,” âm thầm chảy vào hồ Đầm Bài - nơi Viwasupco lấy nước để xử lý trước khi đưa về phục vụ hàng nghìn người dân Hà Nội./.