Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Hướng tới xây dựng nghề cá bền vững

Với mục tiêu lấy lại "thẻ xanh" trong thời gian ngắn nhất và giúp nghề cá phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tăng các biện pháp chống khai thác IUU.
Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Hướng tới xây dựng nghề cá bền vững ảnh 1Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương. (Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)

Trước thực tế của nghề cá hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp xác định, vấn đề "thẻ vàng" sẽ là động lực để toàn ngành khai thác tập trung cải tổ lại nghề cá, chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Theo đó, những giải pháp sắp tới của các địa phương cũng tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong khai thác thuỷ hải sản.


Nâng cao nhận thức của ngư dân

Là một tỉnh ven biển có tàu cá đánh bắt xa bờ và khai thác ven bờ lớn nên lâu nay quản lý tàu cá ở Bình Thuận vốn không dễ dàng gì. Thậm chí, có thể nói là khó giám sát được hành trình tàu đánh bắt xa bờ.

Theo ông Huỳnh Văn Thải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, nhất là sau khi hải sản Việt Nam bị EC cảnh cáo "thẻ vàng" về IUU, tỉnh Bình Thuận đã tăng cường tuyên truyền đối với các chủ tàu, ngư dân không được đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của các vùng, lãnh thổ khác.

Đối với trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hiện đang được Bình Thuận xử lý rất nghiêm. Ngoài lực lượng biên phòng xử phạt hành chính, các tàu cá này còn bị tước quyền giấy phép hoạt động và đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ theo Quyết định 48/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa và Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Thậm chí, một chủ tàu sở hữu 4-5 tàu cá khác nhau, nhưng chỉ cần một tàu vi phạm thì cũng sẽ bị tước hết quyền lợi của các tàu còn lại.

Việc ghi nhật ký khai thác cũng đang được các đơn vị chức năng của Bình Thuận tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ tàu, thuyền trưởng.

Ngày 1/11/2018 tới đây, Bình Thuận sẽ tiến hành xử phạt các tàu không ghi nhật ký khai thác, nhất là những trường hợp đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không thực hiện.

Không những vậy, giữa tháng 9/2018, Bình Thuận cùng 7 tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã “bắt tay” triển khai, ký kết quy chế phối hợp giữa Ủy ban Nhân dân các tỉnh trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đây được xem là hành động cụ thể nhằm tăng cường tuyên truyền cũng như hạn chế tình trạng các tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều tỉnh, thành ven biển khác hiện đang tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức cho các chủ tàu, ngư dân và trang bị đầy đủ thiết bị cho các tàu đánh bắt, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nghề cá.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà, trong một năm qua, tỉnh Khánh Hoà đã tích cực thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp; trong đó, thường xuyên tuyên truyền đến ngư dân những mặt được và mất khi đánh bắt trái phép hay khi ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ.

Thậm chí, đơn vị này còn in tờ rơi về chống khai thác bất hợp pháp dán lên các tàu đánh bắt xa bờ. Đối với các tàu vi phạm không chỉ thực hiện nghiêm các chế tài, cắt mọi chính sách hỗ trợ mà còn kiểm điểm, phê bình trước địa phương.

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển vùng 3 cũng đánh giá do vùng biển Việt Nam khá rộng, lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ lại đông nên để giảm lượng tàu cá đánh bắt thuỷ sản trái phép ở nước ngoài phải có sự vào cuộc đồng bộ từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương, lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư các thiết bị định vị cho các tàu đánh bắt xa bờ để bà con có thể xác định đánh bắt hợp pháp.

“Lâu nay, bà con cứ nghĩ sang đánh bắt ở vùng biển nước ngoài là chuyện bình thường mà không nghĩ là mình vi phạm pháp luật. Để thay đổi điều này thì cần thời gian, tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, tình trạng các tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài đã giảm rất lớn. Trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp để thay đổi nhận thức của ngư dân, góp phần xây dựng nghề cá bền vững, ” Thiếu tướng Lê Xuân Thanh chia sẻ.

Xây dựng nghề cá bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Trưởng Ban điều hành IUU của VASEP, mặc dù trong một năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục "thẻ vàng", song hiện vẫn chưa thể nói trước được thời điểm nào EC sẽ gỡ bỏ "thẻ vàng" cho hải sản Việt Nam.

Tuy vậy, vấn đề "thẻ vàng" là động lực để toàn ngành khai thác tập trung cải tổ lại nghề cá, chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

Theo kế hoạch, đến tháng 1/2019, EC sẽ quay lại Việt Nam để xem xét lại việc khắc phục "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản.

Nhằm chung tay khắc phục "thẻ vàng," trong thời gian tới, Chương trình IUU của VASEP sẽ tiếp tục triển khai các nhóm công việc chính như tham gia góp ý sửa đổi khung pháp lý; hợp tác các bên và quan hệ quốc tế; tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về phòng chống khai thác IUU và những nỗ lực của Việt Nam đang thực hiện…

Theo đó, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Chi cục thủy sản địa phương, các cảng cá thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ tàu cá thuận lợi, có chứng từ đầy đủ, nhanh chóng để đáp ứng kịp các đơn hàng.

VASEP cũng sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cơ chế một cửa trong kiểm tra từ cảng cá đến Chi cục thủy sản, tạo cơ sở dữ liệu thống nhất, rút ngắn thời gian hoàn tất hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp.

Với mục tiêu lấy lại "thẻ xanh" trong thời gian ngắn nhất cũng như giúp nghề cá Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương ven biển tăng cường triển khai các biện pháp chống khai thác IUU.

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Hướng tới xây dựng nghề cá bền vững ảnh 2Lực lượng chấp pháp trên biển của Ninh Thuận tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật trong đánh bắt hải sản (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương ven biển, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thu hồi tất cả các thiết bị Movimar và tiến hành lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên theo hướng dẫn của Bộ. Đồng thời, nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ tự động báo vị trí tàu về trạm bờ; xử lý nghiêm tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy 24/24 giờ khi hoạt động khai thác hải sản trên biển để cơ quan quản lý theo dõi, giám sát.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.

Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định về khai thác IUU tại các cảng cá, khu vực có nghề cá trọng điểm. Thực hiện kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban ngành và lực lượng liên quan để tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục