Khai mạc Festival Tôm Cà Mau - khát vọng phát triển thương hiệu Tôm Việt

“Festival Tôm Cà Mau-Tự hào Thương hiệu Việt” là thông điệp khẳng định thương hiệu Tôm Cà Mau-Tôm Việt, thể hiện niềm tự hào và khát vọng phát triển thương hiệu Tôm Việt Nam lên tầm cao hơn.

tom-ca-mau-1-3070.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Tối 10/12, sự kiện “Festival Tôm Cà Mau-Tự hào thương hiệu Việt” đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Cà Mau và hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh Cà Mau.

Chương trình khai mạc “Festival Tôm Cà Mau-Tự hào Thương hiệu Việt” là thông điệp khẳng định thương hiệu Tôm Cà Mau-Tôm Việt, đồng thời thể hiện niềm tự hào và khát vọng phát triển thương hiệu Tôm Cà Mau nói riêng và Tôm Việt Nam nói chung lên tầm cao hơn; quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong việc khẳng định vị thế tôm Cà Mau; lan tỏa hình ảnh con tôm, giá trị của con tôm, văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc từ tôm đến với du khách trong và ngoài nước, bạn bè và đối tác quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành, doanh nghiệp để tổ chức Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối Sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh năm 2023, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới thời cơ, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, mới hơn, phức tạp hơn.

Tuy vậy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng trên 3,4%, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Văn hóa xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố tăng cường; công tác đối ngoại được triển khai sôi động, liên tục.

“Trong chuỗi sự kiện này, tỉnh Cà Mau đã phối hợp tổ chức hai hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một là Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến Đầu tư tỉnh Cà Mau.

Sự kiện này đã tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư cho tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển của địa phương thời kỳ mới.

Hai là Hội nghị “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023” nhằm trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ, ký kết hợp tác kinh doanh sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp trong và ngoài nước,” Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu cụ thể.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 2023 GRDP tỉnh Cà Mau tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia.

Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm (chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong ba năm ngần đây).

Nhờ đó, ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững, ít nơi nào có được như tôm-rừng, tôm-lúa, đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.

Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã Một Sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Đồng bằng Sông Cửu Long đã có trên 1.300 sản phẩm.

tom-ca-mau-2-2804.jpg

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thêm những kết quả đạt được từ con tôm và các sản phẩm OCOP nêu trên là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Đó là giống, vật tư đầu vào; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí mê tan gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm OCOP chưa ổn định, thị trường sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc...

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

“Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long,” Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối Sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long 2023 là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa; là sự khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống; tôn vinh những người đã có công đóng góp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật góp phần sản xuất ra nhiều sản phẩm tôm có chất lượng, giá trị gia tăng cao; tôn vinh những người đã có công góp phần đưa sản phẩm Tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới và cũng trân trọng tri ân đến người tiêu dùng đã tin tưởng chất lượng sản phẩm Tôm Cà Mau.

tom-ca-mau-3-428.jpg
Tôm khô Cà Mau được phơi theo kiểu truyền thống là “1 sương 2 nắng” (phơi 2 ngày và 1 đêm), đây được xem là bí quyết để con tôm khô giữ được độ tươi ngon. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Chuỗi sự kiện còn là dịp để Cà Mau giới thiệu, quảng bá những giá trị các ngành hàng thủy, hải sản và những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của các địa phương Cà Mau đã trở thành những sản phẩm OCOP vô cùng độc đáo, mang nhiều giá trị văn hoá bản địa đã theo chân người đi mở cỏi, khai phá vùng đất Cà Mau.

Sự kiện cũng giới thiệu những sản phẩm OCOP chủ lực của các địa phương trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Đây thật sự là sự kiện “giao duyên” của con tôm Cà Mau và nhiều sản phẩm đặc sản được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo của người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước; là khát khao hội nhập của các địa phương, là sự cam kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau về nền sản xuất nông nghiệp “Môi trường Xanh-Chất lượng Sạch."

“Nhân dịp này, tỉnh Cà Mau cũng mong muốn và cam kết tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau; góp phần đưa thương hiệu Tôm Cà Mau và nhiều sản vật tiềm năng của Cà Mau và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục