Khai mạc Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 7

Sáng 3/10, Hội nghị ASEP-7 đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Vientiane, Lào với chủ đề “Đối tác Nghị viện Á-Âu vì phát triển bền vững.”
Sáng 3/10, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 7 (ASEP-7) đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Vientiane với chủ đề “Đối tác Nghị viện Á-Âu vì phát triển bền vững.”

Hơn 300 đại biểu thuộc các nước thành viên ASEP, các nước quan sát viên cùng nhiều khách mời thuộc các tổ chức khu vực và quốc tế đã đến dự.

Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu, đã tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, bà Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Chủ tịch ASEP-7 đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc mở rộng Đối tác Nghị viện Á-Âu trong 10 năm qua; yêu cầu về bảo đảm phát triển kinh tế bền vững ở mỗi nước cũng như sự cần thiết phải tìm ra những giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt là các vấn đề nợ công, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.

Bà Yathotou kêu gọi các chính phủ ở châu Á và châu Âu tăng cường quan hệ đối tác về hành pháp và lập pháp giữa hai châu lục, coi đó là diễn đàn thảo luận nhằm giải quyết các mối quan tâm chung của hai châu lục cũng như trên thế giới.

[Chủ tịch Quốc hội hội kiến với các nhà lãnh đạo Lào]


Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongsing Thammavong đồng thời là Chủ tịch Hội nghị cấp Á-Âu lần thứ 9 (ASEM-9), trong phát biểu chào mừng đã nêu rõ Hội nghị ASEP lần này tập trung thảo luận các vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất đối với các dân tộc của hai châu lục Á và Âu, tìm biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại nhằm khai thác các tiềm năng.

Theo Thủ tướng Lào, vấn đề khẩn cấp nhất hiện nay là hợp tác sản xuất nông nghiệp kết hợp với các chương trình an ninh lương thực bởi thiếu lương thực có thể trở thành một trong những căn nguyên dẫn đến mất ổn định.

Thủ tướng Thongsing Thammavong đề nghị các đại biểu tham dự ASEP-7 cùng nghiên cứu, tìm ra kế hoạch và chương trình phát triển bền vững thông qua khuyến khích hợp tác cùng có lợi, khai thác các tiềm năng và sức mạnh, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Lào kêu gọi ASEP-7 góp phần vào việc nghiên cứu và hình thành dạng thức phát triển bền vững mới, bảo đảm cho các dân tộc ở hai châu lục Á và Âu được sống trong một môi trường phồn vinh và thân thiện bền vững.

Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh với tư cách là đại biểu của nhân dân và vì nhân dân, các thành viên ASEP đóng một vai trò không thể thay thế trong việc làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng sự tương đồng và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn giữa châu Á và châu Âu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý hội nghị lần này sẽ thảo luận về vấn đề nợ công. Quốc hội Việt Nam khóa 12 đã thông qua Luật Quản lý nợ công và hiện đang xây dựng Đề án chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030.

Nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đánh giá, giảm nhẹ rủi ro, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, tìm kiếm, cứu hộ và xây dựng, phát triển hạ tầng sau thiên tai trên cơ sở Khuôn khổ hành động Hyogo 2005-2015 và các nghị quyết khác của Liên hợp quốc.

Đề cập đến lĩnh vực an ninh lương thực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên ASEP cần ủng hộ việc thúc đẩy các biện pháp nâng cao hiệu quả nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho các thành viên ASEM.

Khẳng định quan điểm đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của diễn đàn ASEP với mong muốn gắn bó cùng quá trình liên kết Á-Âu và sẵn sàng hợp tác cùng các thành viên khác nhằm vượt qua những thách thức, tận dụng những cơ hội của hợp tác Á-Âu trong thập niên tới.

Hội nghị lần này đã tiến hành thủ tục kết nạp bốn nước thành viên ASEP mới gồm Australia, Myanmar, New Zealand và Nga; tập trung thảo luận về vấn đề tăng cường an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay; tăng cường hợp tác Á-Âu trong lĩnh vực nợ công để bảo đảm sự phát triển bền vững; quan hệ đối tác Á-Âu; huy động các nguồn lực và tăng cường sự tham gia của xã hội về quản lý thiên tai.

Hội nghị tiếp tục làm việc đến hết ngày 4/10 và sẽ ra Tuyên bố Hội nghị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục