Khai thác nước ngầm quá mức cùng với tác động biến đổi khí hậu nước biển dâng và hoạt động địa chất tân kiến tạo đã kéo theo nhiều hệ lụy, khiến tình trạng sụt lún mặt đất ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng.
Các giải pháp đặt ra đang vô cùng cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành có liên quan nhằm thực hiện đúng Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phóng viên của TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Khuyến để làm rõ vấn đề này.
- Trước thực tế sụt lún đất đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia nhận định do khai thác nguồn nước ngầm quá mức, theo ông, đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Theo tôi, nguyên nhân gây sụt lún bề mặt đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 2 nhóm: tự nhiên (đặc điểm vùng với trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, nén chặt của các lớp trầm tích, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình...) và do nhân tạo (khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của hoạt động giao thông...).
Về nguyên nhân lún do tự nhiên, kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã ghi nhận xu thế nâng, hạ sụt lún vùng Đồng bằng sông Cửu Long có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau, biên độ nâng từ 2,4-11,4 mm/năm (ở tỉnh An Giang, Kiên Giang).
Biên độ hạ từ 7,4-11,8 mm/năm trên diện tích còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc sụt lún do nguyên nhân tự nhiên có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.
[Khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL: Suy giảm nguồn nước nghiêm trọng]
Về nguyên nhân do nhân tạo, đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ của từng nguyên nhân gây lún do con người tác động.
Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức chính là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xét tổng thể chung toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì ở những vùng không bị lún có mật độ khai thác nhỏ và ngược lại đối với vùng bị lún.
Tuy nhiên có khu vực khai thác với mật độ cao nhưng lại không bị lún hoặc lún ít hơn so với các khu vực khai thác với mật độ nhỏ hơn (khu vực Tân An, Thủ Thừa và Bến Lức (tỉnh Long An ) và Tân Phước, Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) có mật độ khai thác 1,21 nghìn m3/ngày/km2 lại thuộc vùng không bị lún hoặc chỉ lún dưới 5cm).
Có khu vực không khai thác nhưng vẫn bị lún, thậm chí còn bị lún cao hơn khu vực Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) mật độ khai thác khoảng 59 m3/ngày/km2. Khu vực Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) mật độ khai thác khoảng 46 m3/ngày/km2 nhưng đều thuộc vùng lún trên 10cm.
Như vậy, có thể thấy tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên và do hoạt động của con người là nguyên nhân chính. Vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện, cụ thể đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.
- Trong thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã triển khai các giải pháp gì nhằm tăng cường quản lý khai thác nguồn nước ngầm tại các địa phương?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Tại điều 45, Luật Tài nguyên nước quy định Nhà nước "…có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt."
Do đó cá nhân được quyền khai thác nước cho sinh hoạt tuy nhiên việc khai thác đó phải đảm bảo các quy định pháp luật về tài nguyên nước như phải đăng ký khai thác, có giấy phép khai thác. Hoặc không phải đăng ký, không cần giấy phép nếu là nước cho sinh hoạt sản xuất hộ gia đình với quy mô nhỏ.
Năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tham mưu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, để Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.
Trong số đó quy định các địa phương tổ chức khoanh định, công bố Danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác tại các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất…
Nghị định quy định cụ thể chiều sâu mực nước khai thác cho từng vùng. Ví dụ: vùng nội thành thành phố Hà Nội không quá 35m; Thành phố Hồ Chí Minh không quá 40m; Tây Nguyên không quá 50m; Đồng bằng sông Cửu Long không quá 30m (riêng Cần Thơ không quá 35m).
Cục cũng đã tham mưu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 72/2017/TT-BTNMT quy định về việc xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng nhằm phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT giám sát khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai lập các Quy hoạch tài nguyên nước nhằm quản lý chặt chẽ khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phát triển nguồn nước dự kiến 2024 hoàn thành 10 Quy hoạch Tổng hợp lưu vực sông theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.
- Theo ông, thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long cần có chiến lược bền vững như thế nào để đảm bảo đủ lượng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế cho vùng đất vốn được mệnh danh là cái nôi của “văn minh sông nước - miệt vườn”?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, với cách tiếp cận thay đổi tư duy, là phát triển thuận thiên, phù hợp, thích ứng với sự thay đổi quy luật đối với nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó với sự thay đổi về nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Với các giải pháp trước mắt, đó là theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường nhận định, dự báo sớm về tình hình khí tượng thủy văn, dòng chảy, triều, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin kịp thời để các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước của các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Mekong và các hồ chứa trên các dòng nhánh để có giải pháp xử lý kịp thời bổ sung nguồn nước đẩy mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt; tìm kiếm, khai thác nguồn nước dưới đất để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Các địa phương tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, chống lãng phí nguồn nước.
Với các giải pháp dài hạn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo hạn theo tháng, mùa; xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển.
Vùng chủ động rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Dự án “Xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.”
Theo đó nghiên cứu một cách tổng thể các giải pháp trữ nước, tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên và xây dựng các hồ chứa nước nhân tạo tại các vùng khan hiếm nước.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong.
Khu vực tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Các công trình khai thác nước ngầm được xây dựng để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương và địa phương, các ngành.
- Xin chân thành cảm ơn ông!./.