Quảng Bình một vùng đất đầy nắng và gió, nơi eo thắt miền Trung lại có nhiều tài nguyên du lịch phong phú.
Nơi đây có "rừng vàng, biển bạc", có di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, có "thần Đinh vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sa vi bản", có đèo Ngang lừng lững được nhiều người biết đến qua bài thơ của Bà huyện Thanh Quan hay sấm của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân"...
Tuy nhiên, trong những năm qua, dù không ngừng đầu tư nhưng hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh này, để khai thác tốt tài nguyên du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương, tỉnh Quảng Bình không ngừng mở rộng không gian du lịch, quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để mời gọi các nhà đầu tư. Và vì vậy, bước đầu nhiều con người tâm huyết đã đến và tạo được những dấu ấn không thể nào quên...
Vực Quành có Nguyễn Xuân Liên
Vực Quành nằm gần đường mòn Hồ Chí Minh, cách thành phố Đồng Hới khoảng 15km bây giờ không còn xa lạ với người Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung và thậm chí cả quốc tế. Chỉ cần một cú nhấp chuột trên Google thì chưa đến 0,2 giây ta đã có ít nhất 34.000 kết quả trả lời.
Thực ra, Vực Quành được nhiều người biết đến như vậy, bắt đầu từ thời kỳ truyền thông đua nhau đưa tin có ông Nguyễn Xuân Liên, gác chuyện gia đình, bỏ Hà Nội, một mình, một ba lô vào đây dựng lại ký ức những năm tháng bi hùng không thể nào quên thông qua hình ảnh "làng kháng chiến", "bảo tàng chiến tranh" của Quảng Bình những năm chống Mỹ cứu nước.
Giờ đây, "làng kháng chiến" của ông Liên đã có cái tên mới, mỹ miều hơn, gắn với du lịch hơn đó là Khu du lịch sinh thái văn hóa Vực Quành. Tuy nhiên, cái tên "làng kháng chiến" hay "bảo tàng chiến tranh" cùng với tên người có công tái tạo nên nó Nguyễn Xuân Liên lại được nhiều người thích gọi hơn mỗi khi nhắc đến địa danh Vực Quành.
Ký ức "làng kháng chiến" của ông Liên được tái hiện qua những ngôi nhà tranh vách đất, hầm chữ A, trạm y tế dã chiến, lớp học i tờ, hầm trú ẩn, lán trại, đường giao liên, ụ súng 12 ly 7, hố bom... Cái chân thực của làng kháng chiến được ông tái hiện một cách cụ thể, tỉ mẩn làm cho tất cả những ai từng đi qua cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã từng sống trong làng kháng chiến Quảng Bình, hay cả những người chưa bao giờ biết đến, đều có chung sự tần ngần, xúc động và cả ngỡ ngàng khôn tả mỗi khi đến đây.
Việc dựng lại ký ức "làng kháng chiến" thành bảo tàng nơi mảnh đất đầy gió và nắng này của ông Liên không phải đơn giản. Tất cả hiện vật tại đây có được đều bắt đầu từ những chuyến đi sưu tầm miệt mài, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức theo kiểu đi "khắp chốn cùng quê" của ông. Nào là ngôi nhà rường mái ngói cũ, chiếc bàn phẫu thuật dã chiến, nào là những chiếc nôi với tao nôi đã nhẫy bóng màu thời gian với vị mồ hôi chát mặn của bà mẹ ầu ơ ru con trong hầm trú ẩn, dưới máy bay địch... Hay đó là những quả bom tấn, bom tạ, bom bi, bom chùm, đủ để tố cáo tội ác của chiến tranh, gợi nhớ một thời đầy máu, nước mắt nhưng hào hùng, bất khuất của dân tộc. Tất cả, dưới bàn tay, trí sức và cả lòng tri ân với mảnh đất Quảng Bình đã giúp ông Liên vượt qua bao nhiêu khó khăn để dựng lại làng đúng như nguyên bản ký ức nơi mà ông đã từng sống và đi qua.
Đến nay, "làng kháng chiến," "bảo tàng chiến tranh" của ông Liên đã đi vào hoạt động gần 10 năm với hàng chục ngàn con người trong nước, quốc tế và cả nhiều chính khách, nhà lãnh đạo cũng đã đến đây.
Giá trị của làng thực ra có thể nói là vô giá, khó định nhưng dấu ấn làng nhắc con người ta những năm tháng không thể nào quên thì có thể thấy rõ, hiện hữu qua từng khuôn mặt, bước chân du khách. Làng kháng chiến, khu du lịch sinh thái văn hóa Vực Quành của ông Liên bây giờ vẫn như mọi ngày, mở cửa miễn phí đón những ai có tấm lòng hoài nhớ ký ức xưa hay cả cho những ai đến tìm hiểu để biết thêm có một thời người Quảng Bình nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đã từng sống, vượt qua như thế.
Với một người dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, gác chuyện gia đình để về một tỉnh lẻ làm cái chuyện mà trước đây có người gọi là rồ, là dại, thì quả thật đúng là một điều khó tưởng. Vậy mà ông Liên đã làm chỉ vì như ông nói: tôi về Quảng Bình bởi lòng tri ân cái mảnh đất nghèo khổ nhưng mà thân thương, cái mảnh đất tôi đã từng sống, từng được chia sẻ ngọt bùi...".
Người biến cát thành vàng
Nhắc đến Võ Minh Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh, người dân Quảng Bình thường nói đó là một con người sinh ra để thành đạt. Hoài thành đạt trong nhiều lĩnh vực, nhưng xây dựng là lĩnh vực đầu tiên anh tạo dấu ấn qua nhiều dự án công trình trọng điểm gắn với Cầu quán Hàu, cầu Sông Gianh, cầu Hiền Lương, đường Hồ Chính Minh, Quốc lộ 9, Quốc lộ 4, Quốc lộ 12, sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La; dự án BOT đường tránh Đồng Hới, đường tránh Đông Hà (Quảng Trị)...
Những tưởng với những thành công này, Võ Minh Hoài sẽ chỉ gắn kết với lĩnh xây dựng, nhưng đùng một cái, Hoài lại nhảy vào đầu tư, khai thác du lịch và chung thủy đến mặn mọi với nó. Còn nhớ cuối năm 2000, cái đận Hoài đùng đùng lấy luôn 30 ha đất ở cái làng cát Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh quê hương mẹ Suốt anh hùng để làm Sun Spa Resort khiến cho mọi người ai cũng giật mình.
Cái làng Mỹ Cảnh lúc đó cách trở đò giang bởi sông Nhật Lệ rộng cả cây số, lại nữa vùng này chỉ độc có cát trắng với phi lao nên nghe chuyện làm du lịch ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Vậy mà Võ Minh Hoài không khuyếch trương, không giải thích, đầu tư luôn cả vài trăm tỷ đồng để làm. Nhiều người bảo, đầu tư rì sọt, rì siếc làm chi cho mệt, biết khi nào mới thu được tiền, nhưng Hoài không nghĩ vậy, bởi yêu quê, bởi muốn chứng minh rằng cát cũng có thể là vàng nếu biết trân trọng, khai thác và đầu tư.
Bây giờ thì cái Sun Spa Resort của Hoài đã quá tầm cỡ, quá nổi tiếng với khách trong và ngoài nước với gần 300 phòng ngủ, nhiều nhà hàng, phòng họp, khu giải trí, hàng chục biệt thự cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Khu Sun Spa Resort của Võ Minh Hoài cũng là một trong 5 khách sạn, khu nghỉ mát duy nhất trên toàn quốc, được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thành viên chính thức của Tập đoàn Khách sạn thế giới "Wold Hotel". Còn Tổng cục Du lịch Việt Nam thì ghi nhận với danh hiệu "Top Traven services".
Và một giá trị khác là nhờ có cái Sun Spa Resort của anh Hoài, giá đất ở Bảo Ninh tăng đến chóng mặt, nhiều gia đình vì thế trở nên giàu có, người nhà quê ở đây trước chỉ độc nghề biển, thì nay có thêm cái nghề mới sang trọng hơn đó là du lịch. Xã Bảo Ninh, quê hương của mẹ Suốt vì vậy từ đó cũng được nhiều người gọi là vùng đất du lịch, đất vàng...
Sau cái đận làm Sun Spa Resort ở Mỹ Cảnh, Bảo Ninh, Võ Minh Hoài không dừng lại mà mới đây mạnh dạn nhận luôn đầu tư khai thác Động Thiên Đường, thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Thời điểm này đang trong cái lúc khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, vậy mà anh dám bỏ luôn vài trăm tỷ nhẹ bẫng để đầu tư, khai thác Thiên Đường, làm cho ai nghe cũng "choáng".
Bây giờ "Thiên Đường" đã về hạ giới nên du khách mặc sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa, của kỳ quan hang động kỳ vĩ nhất hành tinh... Mới hôm 11/6 này thôi, để quảng bá cho "Vương quốc hang động" đến người dân trong nước và thế giới, tỉnh Quảng Bình đã chọn và làm chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4 ngay trong lòng hang động Thiên Đường. Đây cũng là cách làm được đánh giá là độc nhất vô nhị, chỉ có ở Quảng Bình...
Chuyện đầu tư cho du lịch thì mỗi nơi, mỗi người một vẻ, đó là chuyện đương nhiên. Cũng là tiền để đầu tư, nhưng cái cách của ông Nguyễn Xuân Liên thì khác bởi ông tìm về quá khứ, tìm về cái xưa cũ, còn với Võ Minh Hoài thì tìm đến cái mới, cái hoành tráng, cái vừa được phát hiện...
Tuy nhiên, tâm sự về mình, Nguyễn Xuân Liên, Võ Minh Hoài đều có điểm chung giống nhau rằng, dù cái cách khai thác, đầu tư phát triển du lịch có khác nhau, nhưng họ đều xuất phát từ tình yêu, sự tri ân với vùng quê, mảnh đất Quảng Bình gian khó nhưng mà thân thương và đậm nghĩa tình.
Còn nhắc chuyện về ông Liên, anh Hoài và những nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn dùng hai từ cảm ơn và trân trọng. Ông cũng cho biết, tỉnh Quảng Bình rất giàu tiềm năng du lịch và lòng hiếu khách, vì vậy, tỉnh đang trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư đến đây cùng đầu tư, khai thác và phát triển. Tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ngoài hàng rào thích đáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tâm huyết... Và với cách mời gọi nhiệt tình này, Quảng Bình mong muốn trong thời gian tới, ngành du lịch với không gian mở, sẽ đón thêm nhiều con người tâm huyết, thành đạt như Nguyễn Xuân Liên và Võ Minh Hoài ./.
Nơi đây có "rừng vàng, biển bạc", có di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, có "thần Đinh vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sa vi bản", có đèo Ngang lừng lững được nhiều người biết đến qua bài thơ của Bà huyện Thanh Quan hay sấm của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân"...
Tuy nhiên, trong những năm qua, dù không ngừng đầu tư nhưng hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh này, để khai thác tốt tài nguyên du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương, tỉnh Quảng Bình không ngừng mở rộng không gian du lịch, quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để mời gọi các nhà đầu tư. Và vì vậy, bước đầu nhiều con người tâm huyết đã đến và tạo được những dấu ấn không thể nào quên...
Vực Quành có Nguyễn Xuân Liên
Vực Quành nằm gần đường mòn Hồ Chí Minh, cách thành phố Đồng Hới khoảng 15km bây giờ không còn xa lạ với người Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung và thậm chí cả quốc tế. Chỉ cần một cú nhấp chuột trên Google thì chưa đến 0,2 giây ta đã có ít nhất 34.000 kết quả trả lời.
Thực ra, Vực Quành được nhiều người biết đến như vậy, bắt đầu từ thời kỳ truyền thông đua nhau đưa tin có ông Nguyễn Xuân Liên, gác chuyện gia đình, bỏ Hà Nội, một mình, một ba lô vào đây dựng lại ký ức những năm tháng bi hùng không thể nào quên thông qua hình ảnh "làng kháng chiến", "bảo tàng chiến tranh" của Quảng Bình những năm chống Mỹ cứu nước.
Giờ đây, "làng kháng chiến" của ông Liên đã có cái tên mới, mỹ miều hơn, gắn với du lịch hơn đó là Khu du lịch sinh thái văn hóa Vực Quành. Tuy nhiên, cái tên "làng kháng chiến" hay "bảo tàng chiến tranh" cùng với tên người có công tái tạo nên nó Nguyễn Xuân Liên lại được nhiều người thích gọi hơn mỗi khi nhắc đến địa danh Vực Quành.
Ký ức "làng kháng chiến" của ông Liên được tái hiện qua những ngôi nhà tranh vách đất, hầm chữ A, trạm y tế dã chiến, lớp học i tờ, hầm trú ẩn, lán trại, đường giao liên, ụ súng 12 ly 7, hố bom... Cái chân thực của làng kháng chiến được ông tái hiện một cách cụ thể, tỉ mẩn làm cho tất cả những ai từng đi qua cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã từng sống trong làng kháng chiến Quảng Bình, hay cả những người chưa bao giờ biết đến, đều có chung sự tần ngần, xúc động và cả ngỡ ngàng khôn tả mỗi khi đến đây.
Việc dựng lại ký ức "làng kháng chiến" thành bảo tàng nơi mảnh đất đầy gió và nắng này của ông Liên không phải đơn giản. Tất cả hiện vật tại đây có được đều bắt đầu từ những chuyến đi sưu tầm miệt mài, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức theo kiểu đi "khắp chốn cùng quê" của ông. Nào là ngôi nhà rường mái ngói cũ, chiếc bàn phẫu thuật dã chiến, nào là những chiếc nôi với tao nôi đã nhẫy bóng màu thời gian với vị mồ hôi chát mặn của bà mẹ ầu ơ ru con trong hầm trú ẩn, dưới máy bay địch... Hay đó là những quả bom tấn, bom tạ, bom bi, bom chùm, đủ để tố cáo tội ác của chiến tranh, gợi nhớ một thời đầy máu, nước mắt nhưng hào hùng, bất khuất của dân tộc. Tất cả, dưới bàn tay, trí sức và cả lòng tri ân với mảnh đất Quảng Bình đã giúp ông Liên vượt qua bao nhiêu khó khăn để dựng lại làng đúng như nguyên bản ký ức nơi mà ông đã từng sống và đi qua.
Đến nay, "làng kháng chiến," "bảo tàng chiến tranh" của ông Liên đã đi vào hoạt động gần 10 năm với hàng chục ngàn con người trong nước, quốc tế và cả nhiều chính khách, nhà lãnh đạo cũng đã đến đây.
Giá trị của làng thực ra có thể nói là vô giá, khó định nhưng dấu ấn làng nhắc con người ta những năm tháng không thể nào quên thì có thể thấy rõ, hiện hữu qua từng khuôn mặt, bước chân du khách. Làng kháng chiến, khu du lịch sinh thái văn hóa Vực Quành của ông Liên bây giờ vẫn như mọi ngày, mở cửa miễn phí đón những ai có tấm lòng hoài nhớ ký ức xưa hay cả cho những ai đến tìm hiểu để biết thêm có một thời người Quảng Bình nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đã từng sống, vượt qua như thế.
Với một người dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, gác chuyện gia đình để về một tỉnh lẻ làm cái chuyện mà trước đây có người gọi là rồ, là dại, thì quả thật đúng là một điều khó tưởng. Vậy mà ông Liên đã làm chỉ vì như ông nói: tôi về Quảng Bình bởi lòng tri ân cái mảnh đất nghèo khổ nhưng mà thân thương, cái mảnh đất tôi đã từng sống, từng được chia sẻ ngọt bùi...".
Người biến cát thành vàng
Nhắc đến Võ Minh Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh, người dân Quảng Bình thường nói đó là một con người sinh ra để thành đạt. Hoài thành đạt trong nhiều lĩnh vực, nhưng xây dựng là lĩnh vực đầu tiên anh tạo dấu ấn qua nhiều dự án công trình trọng điểm gắn với Cầu quán Hàu, cầu Sông Gianh, cầu Hiền Lương, đường Hồ Chính Minh, Quốc lộ 9, Quốc lộ 4, Quốc lộ 12, sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La; dự án BOT đường tránh Đồng Hới, đường tránh Đông Hà (Quảng Trị)...
Những tưởng với những thành công này, Võ Minh Hoài sẽ chỉ gắn kết với lĩnh xây dựng, nhưng đùng một cái, Hoài lại nhảy vào đầu tư, khai thác du lịch và chung thủy đến mặn mọi với nó. Còn nhớ cuối năm 2000, cái đận Hoài đùng đùng lấy luôn 30 ha đất ở cái làng cát Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh quê hương mẹ Suốt anh hùng để làm Sun Spa Resort khiến cho mọi người ai cũng giật mình.
Cái làng Mỹ Cảnh lúc đó cách trở đò giang bởi sông Nhật Lệ rộng cả cây số, lại nữa vùng này chỉ độc có cát trắng với phi lao nên nghe chuyện làm du lịch ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Vậy mà Võ Minh Hoài không khuyếch trương, không giải thích, đầu tư luôn cả vài trăm tỷ đồng để làm. Nhiều người bảo, đầu tư rì sọt, rì siếc làm chi cho mệt, biết khi nào mới thu được tiền, nhưng Hoài không nghĩ vậy, bởi yêu quê, bởi muốn chứng minh rằng cát cũng có thể là vàng nếu biết trân trọng, khai thác và đầu tư.
Bây giờ thì cái Sun Spa Resort của Hoài đã quá tầm cỡ, quá nổi tiếng với khách trong và ngoài nước với gần 300 phòng ngủ, nhiều nhà hàng, phòng họp, khu giải trí, hàng chục biệt thự cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Khu Sun Spa Resort của Võ Minh Hoài cũng là một trong 5 khách sạn, khu nghỉ mát duy nhất trên toàn quốc, được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thành viên chính thức của Tập đoàn Khách sạn thế giới "Wold Hotel". Còn Tổng cục Du lịch Việt Nam thì ghi nhận với danh hiệu "Top Traven services".
Và một giá trị khác là nhờ có cái Sun Spa Resort của anh Hoài, giá đất ở Bảo Ninh tăng đến chóng mặt, nhiều gia đình vì thế trở nên giàu có, người nhà quê ở đây trước chỉ độc nghề biển, thì nay có thêm cái nghề mới sang trọng hơn đó là du lịch. Xã Bảo Ninh, quê hương của mẹ Suốt vì vậy từ đó cũng được nhiều người gọi là vùng đất du lịch, đất vàng...
Sau cái đận làm Sun Spa Resort ở Mỹ Cảnh, Bảo Ninh, Võ Minh Hoài không dừng lại mà mới đây mạnh dạn nhận luôn đầu tư khai thác Động Thiên Đường, thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Thời điểm này đang trong cái lúc khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, vậy mà anh dám bỏ luôn vài trăm tỷ nhẹ bẫng để đầu tư, khai thác Thiên Đường, làm cho ai nghe cũng "choáng".
Bây giờ "Thiên Đường" đã về hạ giới nên du khách mặc sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa, của kỳ quan hang động kỳ vĩ nhất hành tinh... Mới hôm 11/6 này thôi, để quảng bá cho "Vương quốc hang động" đến người dân trong nước và thế giới, tỉnh Quảng Bình đã chọn và làm chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4 ngay trong lòng hang động Thiên Đường. Đây cũng là cách làm được đánh giá là độc nhất vô nhị, chỉ có ở Quảng Bình...
Chuyện đầu tư cho du lịch thì mỗi nơi, mỗi người một vẻ, đó là chuyện đương nhiên. Cũng là tiền để đầu tư, nhưng cái cách của ông Nguyễn Xuân Liên thì khác bởi ông tìm về quá khứ, tìm về cái xưa cũ, còn với Võ Minh Hoài thì tìm đến cái mới, cái hoành tráng, cái vừa được phát hiện...
Tuy nhiên, tâm sự về mình, Nguyễn Xuân Liên, Võ Minh Hoài đều có điểm chung giống nhau rằng, dù cái cách khai thác, đầu tư phát triển du lịch có khác nhau, nhưng họ đều xuất phát từ tình yêu, sự tri ân với vùng quê, mảnh đất Quảng Bình gian khó nhưng mà thân thương và đậm nghĩa tình.
Còn nhắc chuyện về ông Liên, anh Hoài và những nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn dùng hai từ cảm ơn và trân trọng. Ông cũng cho biết, tỉnh Quảng Bình rất giàu tiềm năng du lịch và lòng hiếu khách, vì vậy, tỉnh đang trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư đến đây cùng đầu tư, khai thác và phát triển. Tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ngoài hàng rào thích đáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tâm huyết... Và với cách mời gọi nhiệt tình này, Quảng Bình mong muốn trong thời gian tới, ngành du lịch với không gian mở, sẽ đón thêm nhiều con người tâm huyết, thành đạt như Nguyễn Xuân Liên và Võ Minh Hoài ./.
Mạnh Thành (TTXVN/Vietnam+)