Không thể đáp ứng thỏa thuận nợ, Argentina “nhờ” Mỹ đàm phán với IMF

Chính phủ Argentina khẳng định đã nỗ lực giải quyết khoản nợ hơn 44 tỷ USD giữa nước này với IMF, nhưng do nhiều khó khăn, quốc gia Nam Mỹ không thể đáp ứng một số điều khoản đã thỏa thuận với IMF.
Không thể đáp ứng thỏa thuận nợ, Argentina “nhờ” Mỹ đàm phán với IMF ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 100 peso của Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Argentina đã gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden bức thư với nội dung đề nghị Washington hỗ trợ Buenos Aires trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ trị giá hơn 44 tỷ USD giữa quốc gia Nam Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo Bộ Ngoại giao Argentina, bức thư ngày 22/6 khẳng định Chính phủ nước này đã nỗ lực giải quyết khoản nợ trên với IMF, tuy nhiên quốc gia Nam Mỹ này không thể đáp ứng được một số điều khoản đã thỏa thuận với IMF.

Lý do là nền kinh tế Argentina vẫn đang phải khắc phục những hậu quả để lại từ đại dịch COVID-19, cùng với những khó khăn do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, và đặc biệt là tình trạng hạn hán nghiêm trọng thời gian qua.

Argentina buộc phải đàm phán với IMF với hy vọng tổ chức tài chính quốc tế này nới lỏng một số mục tiêu liên quan đến tăng trưởng, giảm lạm phát, tăng cường dự trữ ngoại tệ và thu hẹp thâm hụt ngân sách - theo Bộ Ngoại giao Argentina.

Bức thư nêu rõ sự thiếu linh hoạt của IMF trong việc xem xét các thông số của thỏa thuận tái cơ cấu nợ trong bối cảnh Argentina đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tài khóa và thâm hụt dự trữ ngoại tệ, có thể sẽ khiến cho nước này lâm vào một cuộc khủng hoảng không cần thiết.

Vì vậy, Argentina đề nghị Mỹ hỗ trợ trong các cuộc đàm phán sắp tới với IMF.

Tổng thống các nước Brazil, Mexico, Chile, Colombia, Bolivia và Paraguay cũng bày tỏ quan điểm cho rằng tình trạng mắc nợ quá mức do khoản vay của IMF gây ra là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc Argentina phải đối mặt với tình hình khó khăn hiện tại.

Lãnh đạo sáu quốc gia này kêu gọi Tổng thống Biden hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp giúp Argentina thúc đẩy phát triển, tạo thêm việc làm và gia tăng xuất khẩu.

[Argentina gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc]

Argentina đã phải viện tới sự hỗ trợ của IMF hồi năm 2018, dưới thời Tổng thống Maurico Macri, khi nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

IMF đã chấp thuận cấp cho Argentina khoản vay tín dụng lên tới 57 tỷ USD, mức cho vay cao nhất trong lịch sử của tổ chức tài chính đa phương này.

Tuy nhiên, IMF mới chỉ giải ngân được gần 45 tỷ USD thì chính phủ của ông Macri thất cử, trong khi chính quyền mới của Tổng thống Alberto Fernández từ chối nhận nốt phần còn lại của khoản vay.

Chính phủ Argentina đã đạt được một thỏa thuận tái cơ cấu nợ với IMF vào tháng Ba năm ngoái, trong đó bao gồm nhiều điều khoản khắt khe về dự trữ ngoại tệ và thu chi ngân sách.

Argentina sẽ cần các khoản tạm ứng trị giá 10,6 tỷ USD trong nửa cuối năm nay, nhằm tăng cường dự trữ của ngân hàng trung ương và củng cố tài khóa theo yêu cầu của IMF. Trong khi đó, đợt hạn hán nghiêm trọng gần đây đã khiến nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này thiệt hại khoảng 20 tỷ USD.

Đầu tháng Sáu này, Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) thông báo Chính phủ nước này đã chính thức gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc thêm ba thăm để cho phép Argentina tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt.

Không thể đáp ứng thỏa thuận nợ, Argentina “nhờ” Mỹ đàm phán với IMF ảnh 2Lạm phát ở Argentina gần đây đã tăng chóng mặt. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai nước, có tổng trị giá 130 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD), được Chủ tịch BCRA Miguel Ángel Pesce và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) Dịch Cương ký kết tại Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa.

Ngoài việc giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ở Argentina, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc còn giúp hai bên thúc đẩy trao đổi thương mại song phương.

Trước đó, ngày 30/5, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) thuộc Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) và Argentina chưa đạt được đồng thuận về việc quốc gia Nam Mỹ này tiếp nhận bảo lãnh tín dụng từ NDB.

Tuy nhiên, ông Lula da Silva đảm bảo rằng Brazil vẫn quyết tâm hỗ trợ Argentina để thương mại song phương không bị tác động bởi những bất ổn kinh tế vĩ mô ở quốc gia láng giềng, bao gồm thiếu hụt ngoại tệ và lạm phát tăng cao.

Tổng thống Brazil cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Argentina Alberto Fernández về một thỏa thuận nhằm tạo ra một dòng tài chính hỗ trợ thương mại song phương thông qua Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (BNDES) của Brazil./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục