Ngày 14/12, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ban Tổ chức, hội thảo nhằm đóng góp ý kiến của các chuyên gia về một “đường dẫn” pháp lý khả thi cho việc xây dựng khung pháp lý toàn diện về chính quyền đô thị của đô thị thành phố, nhất là trong bối cảnh đang nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tới Trung ương sau thời gian triển khai Nghị quyết 131/2020/QH14 tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 131 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực, công tác quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết từng bước đi vào chiều sâu; việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt.
Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
[Thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn]
Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố được tăng cường. Quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy; huy động được ngày càng nhiều nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố; hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thạc sỹ Trần Thị Thu Hà (Khoa Luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần đổi mới tổ chức, hoạt động của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong mô hình chính quyền đô thị.
Trong bối cảnh “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính,” Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên được tổ chức và hoạt động theo mô hình Thị trưởng. Việc áp dụng mô hình này không khiên cưỡng so với điều kiện cụ thể của chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng không phải là một “cú sốc” so với lý thuyết tổ chức Nhà nước ở Việt Nam từ trước đến nay.
Trên thực tế, vai trò của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân gắn liền với sự điều hành thường xuyên, trực tiếp các hoạt động của ủy ban nhân dân. Để làm được việc này cần chuyển đổi chế độ hoạt động của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sang chế độ thủ trưởng.
Trong mô hình Thị trưởng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên được đổi tên thành Tòa Thị chính, do Thị trưởng đứng đầu, Thị trưởng có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc của mình.
Chức năng chủ yếu của Tòa Thị chính là quản lý địa phuơng, triển khai thi hành các văn bản của hội đồng nhân dân thành phố, chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân thông qua cơ chế bãi miễn.
Ngoài ra, bên cạnh chức năng hành chính địa phương, thị trưởng còn phải tập trung vào chính sách cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ về giao thông, cấp thoát nước, nhà ở, việc làm, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua hai năm thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc trong thực hiện như quy định về tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp là người hoạt động không chuyên trách đủ điều kiện được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường; Ủy ban Nhân dân quận làm việc theo chế độ thủ trưởng nhưng phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Theo ông Lê Minh Đức, những ý kiến tại hội thảo là rất thiết thực và sẽ tiếp thu đầy đủ để tổng hợp gửi cấp có thẩm quyền nghiên cứu./.