Kinh doanh bảo hiểm: Miếng bánh 'béo bở' của các ngân hàng

Trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khoản lãi "kếch xù" từ hình thức kinh doanh bảo hiểm.
Kinh doanh bảo hiểm: Miếng bánh 'béo bở' của các ngân hàng ảnh 1Giao dịch tại MB. (Ảnh: TTXVN)

Trong những năm gần đây, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) trở thành một thuật ngữ không còn xa lạ trong ngành ngân hàng, khi liên tục có nhiều ngân hàng đẩy mạnh hợp tác với các công ty bảo hiểm nhằm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng.

Đặc biệt, trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khoản lãi "kếch xù" từ hình thức kinh doanh này.

Khoản thu nhập "kếch xù"

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) vừa công bố, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho ngân hàng này gần 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19.

Nhờ việc sở hữu Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life và Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của MBBank liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này. Trong năm 2020, thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MBBank.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong khoản thu từ hoạt động dịch vụ.

Trong năm 2020, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm mang về khoản thu nhập hơn 2.575 tỷ đồng cho VPB. Mặc dù con số này giảm 11% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng đây vẫn là khoản thu nhập ngoài lãi đáng mơ ước của nhiều ngân hàng.

Trong năm 2020, lãi thuần hoạt động dịch vụ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) tăng 53,4% so với 2019, đạt 6.608 tỷ đồng. Đáng chú ý, VCB đã ghi nhận gần 1.500-1.800 tỷ đồng phí bancassuarance trả trước trong quý 4/2020 từ thỏa thuận độc quyền ký kết với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam đã tạo ra sự tăng trưởng đột biến này.

Bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính mảng dịch vụ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) khi đóng góp hơn 41% nguồn thu. Thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB trong năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 2019.

[VietinBank và Manulife hợp tác bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng]

Với việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua.

Không chỉ những ngân hàng trên, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán chéo bảo hiểm. Trong báo cáo triển vọng thị trường 2021 do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố đầu tháng 1/2021 cho biết, tỷ trọng phí thu từ kênh bancasssuarance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng 2020 (số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam).

Kinh doanh bảo hiểm: Miếng bánh 'béo bở' của các ngân hàng ảnh 2Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như ở Tây Ban Nha 72%, 70% ở Italy, 60% ở Pháp. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của kênh phân phối bancassuarance vẫn còn rất lớn. Cũng nhờ dư địa thị trường còn rất nhiều dựa trên tỷ trọng bancassuarance trên tổng thu nhập phí bảo hiểm và tỷ lệ thâm nhập người dùng mới, các ngân hàng dự kiến tăng trưởng mạnh thu nhập từ phí bancassuarance cho dù gặp nhiều cạnh tranh thị phần.

Theo chuyên gia tài chính Tiến sỹ Cấn Văn Lực, bancassuarance là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của các ngân hàng trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, các ngân hàng thường có mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, có công nghệ... phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đặc biệt, việc hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm khi ngân hàng muốn tạo ra hệ sinh thái tiện ích hơn, đa dạng hơn cho khách hàng.

Kỳ vọng vào các thương vụ độc quyền

Bancassuarance là thương vụ hợp tác điển hình mà hai bên cùng thắng. Tuy nhiên, thông thường ngân hàng được hưởng lợi nhiều hơn, do nhận được một khoản tiền lớn thanh toán một lần khi ký hợp đồng và nhận được phí môi giới bảo hiểm, trong khi không có rủi ro nào đáng kể.

Đáng chú ý, việc hàng loạt các thương vụ ký kết hợp đồng độc quyền diễn ra trong 2 năm gần đây 2019-2020, thị trường bancassurance được dự báo sẽ rất sôi động trong thời gian tới.

Gần đây nhất, giữa tháng 12/2020, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty TNHH Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife là khoảng 350 triệu USD. Đồng thời, ước tính thu nhập từ bancassurance của ngân hàng sẽ tăng 30% - 50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.

Vào cuối tháng 11/2020, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty bảo hiểm Sunlife đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với mức phí các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS), mức phí trả trước cao mà ACB có được là nhờ doanh thu bán bảo hiểm của ACB đạt 939 tỷ đồng trong năm 2019, đứng thứ 6 toàn hệ thống các ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, ACB đã vươn lên đứng thứ 3 về doanh số bán bảo hiểm trong 6 tháng 2020 theo thông tin từ hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm.

Như vậy, ACB là ngân hàng có doanh số bản bảo hiểm tốt nhất trong nhóm ngân hàng chưa có hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Việc các ngân hàng hiện tại chưa có hợp đồng độc quyền còn rất ít khiến cho quyền lực trong đàm phán của các các ngân hàng này tăng lên so với các công ty bảo hiểm. Từ năm 2021 trở đi, ACB sẽ bắt đầu ghi nhận khoản thu nhập phí trả trước này và dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính trong mảng kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng này trong thời gian tới.

Trước đó, Vietcombank cũng ký kết hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Tập đoàn Bảo hiểm FWD vào cuối năm 2019, trở thành thương vụ hấp dẫn nhất trên thị trường M&A, cũng như trong ngành này. Theo tổng hợp của VCBS, thương vụ này mang về cho Vietcombank khoản phí trả trước lên tới 9.360 tỷ đồng.

Dưới góc độ lãnh đạo của một ngân hàng đang có hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, bancassurance là xu hướng ngân hàng bán lẻ lựa chọn để đa dạng và khép kín dịch vụ của mình.

Kinh doanh bảo hiểm: Miếng bánh 'béo bở' của các ngân hàng ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Điều này giúp khách hàng gắn bó lâu dài với ngân hàng. Thêm vào đó, sự hợp tác độc quyền giúp ngân hàng có sự hỗ trợ về phát triển mạng lưới, đầu tư nhân sự cho mảng bán lẻ, bán chéo thêm nhiều sản phẩm khác...

Với những lợi ích đó, hiện một số ngân hàng cũng đang tìm kiếm đối tác độc quyền trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đang lựa chọn, đàm phán với đối tác chiến lược, dự kiến sẽ ký hợp đồng độc quyền trong quý 1/2021.

Các chuyên gia dự báo bancassuarance sẽ tăng trưởng mạnh trong trung hạn. Các khách hàng có tập khách hàng bán lẻ phân khúc trung và cao cấp trở lên rộng lớn, dự kiến sẽ là mục tiêu của các công ty bảo hiểm, đồng thời sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn bình quân.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có rủi ro khi tỷ lệ hủy hợp đồng vào năm thứ 2 và mức doanh thu phân bổ cho ngân hàng cao đang áp lực lên các công ty bảo hiểm có thể dẫn đến việc giảm phí cắt cho bên ngân hàng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục