Kinh tế Mỹ vẫn bấp bênh trước mùa bầu cử

Lạm phát hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Kinh tế Mỹ liên tục đón nhận những tín hiệu đầy lạc quan. Nhưng vì sao cử tri Mỹ vẫn lo lắng?

Người tiêu dùng mua hàng trong siêu thị ở Foster City, bang California (Mỹ) ngày 11/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người tiêu dùng mua hàng trong siêu thị ở Foster City, bang California (Mỹ) ngày 11/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lạm phát hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Kinh tế Mỹ liên tục đón nhận những tín hiệu đầy lạc quan. Nhưng vì sao cử tri Mỹ vẫn lo lắng?

Dù các chỉ số cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, nhiều người Mỹ vẫn bi quan về triển vọng kinh doanh và việc làm - điều gây khó khăn cho Phó Tổng thống Kamala Harris trong bám đuổi sát nút ứng cử viên Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm nhiều hơn khoảng 100.000 việc làm so với mức dự kiến trong tháng 9/2024, tiền lương tăng trưởng tốt và lạm phát tiến gần mức mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, gần một nửa số người dân tham gia khảo sát của tờ New York Times công bố hôm 8/10 đánh giá điều kiện kinh tế Mỹ hiện tại là "kém." Nhiều cuộc thăm dò khác cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ - đặc biệt là vấn đề lạm phát-là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Mặc dù bà Harris đang dần thu hẹp khoảng cách với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri vẫn ủng hộ cựu tổng thống về các vấn đề kinh tế.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, giá cả tăng liên tục kể từ sau đại dịch, giá nhà vẫn ở mức cao và tăng trưởng việc làm không đồng đều là những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa dữ liệu thực tế và tâm lý cử tri.

Việc chứng kiến giá cả tăng đều đặn theo thời gian sẽ đè nặng lên tâm lý chung, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhà kinh tế Ryan Sweet của Oxford Economics cho rằng, đối với các chính trị gia, giải pháp dễ dàng là nhắm vào những mặt hàng mà “người dân nhìn thấy hàng ngày như thực phẩm và xăng dầu.”

Lạm phát của Mỹ đã leo lên mức trên 14% vào năm 1980. Người tiêu dùng một lần nữa chứng kiến giá cả tăng vọt lên mức 9,1% vào giữa năm 2022. Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống 2,5% vào tháng 8/2024, nhưng theo ông Sweet, điều quan trọng với người tiêu dùng là “mức giá" chứ không phải con số lạm phát.

Ông Trump dường như đang tận dụng tâm lý này. Ông nói vào tuần trước: "Lạm phát đã tàn phá nền kinh tế Mỹ". Ông cũng viện dẫn cuộc đình công của các công nhân bốc xếp vào tuần trước với lạm phát, cho rằng nó đã ảnh hưởng nặng nề đến người lao động.

Hôm 8/10, ông Trump cáo buộc rằng "lạm phát sẽ tăng vọt nếu bà Harris nhậm chức” và hứa sẽ "khiến nước Mỹ có mức sống phải chăng trở lại".

Tâm lý cử tri vẫn ảm đạm bất chấp Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 5/2024 rằng sức mua đã tăng lên khi thu nhập của người dân tăng nhanh hơn giá cả từ năm 2019 đến năm 2023.

Có thể nhìn chung tiền lương đang tăng nhanh hơn lạm phát, nhưng điều đó không đúng với mỗi cá nhân. Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter, cho biết, con số tuyển dụng chung cũng che giấu sự khác biệt lớn giữa các ngành.

Tăng trưởng việc làm tập trung vào một số ít ngành, khi về cơ bản tất cả việc làm được tạo ra gần đây đều thuộc về các lĩnh vực vốn chỉ chiếm 48% việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục