Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 10/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cân nhắc về cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi
Thảo luận về Luật Căn cước, các đại biểu tán thành việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước Công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam.
Một trong những nội dung lớn của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.
Đồng tình bổ sung quy định này, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho biết hiện nay nhu cầu đi máy bay, sinh hoạt trong nước, trại hè, du lịch... của người dưới 14 tuổi đều cần thiết có khai sinh. Do đó, đặt ra nhu cầu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm việc cá nhân phải mang theo nhiều giấy tờ khi ra ngoài.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi. Theo đại biểu Tráng A Dương, những người dưới 14 tuổi sẽ có sự thay đổi rất nhanh về vóc dáng và ngoại hình, trong khi thẻ căn cước lại có thời hạn.
Dẫn chứng thêm kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết một số nước nếu muốn cấp thẻ căn cước phải có giám hộ hoặc xác nhận của phụ huynh mới được. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của quy định này.
[Tích hợp thông tin căn cước cần quy định rõ quyền truy xuất, khai thác]
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng cho rằng hiện nay chưa nhất thiết phải quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Nếu vẫn quy định, cần xác định rõ thời gian cấp lần đầu cho người dưới 14 tuổi và yêu cầu phải cấp lại khi đủ 18 tuổi hoặc tối đa là 20 tuổi. Như vậy để bảo đảm quyền công dân và phù hợp với sự phát triển sinh học của con người.
Khắc phục vướng mắc về thể chế trong hoạt động viễn thông
Về dự án Luật Viễn thông, các đại biểu cho rằng luật đã sửa đổi một số bất cập lớn, như quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng....
Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp. Để giải quyết khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông....
Đối với các vấn đề mới cần quy định để thúc đẩy phát triển viễn thông, dự thảo Luật đã hoàn thiện để điều chỉnh các mô hình, dịch vụ mới. Đó là, xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế.
Cho ý kiến về dự án luật này, các đại biểu đề nghị khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển.
Phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế
Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Trong phiên thảo luận có 21 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo an toàn, lành mạnh các hệ thống tổ chức tín dụng, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, tiếp tục phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể như đối tượng, phạm vi điều chỉnh, áp dụng pháp luật; tính thống nhất với pháp luật liên quan, giải thích từ ngữ, khái niệm người có liên quan, hành vi bị cấm, bảo vệ thông tin của khách hàng, điều khoản chuyển tiếp và thời gian thông qua luật là 2 hoặc 3 kỳ họp; Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; bảo hiểm tiền gửi; hoạt động của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý, người điều hành và của Ban kiểm soát; số hóa dịch vụ ngân hàng; hoạt động công nghệ tài chính; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dịch vụ ngân hàng phi tài chính; đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; quy trình, thủ tục, biện pháp, thời gian xử lý can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt; thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng khi can thiệp sớm hoặc kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt.
Các đại biểu cũng quan tâm thảo luận về việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, tiếp tục thu giữ tài sản đảm bảo, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, tổ chức mua, xử lý nợ, quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ quy định để ngăn chặn, sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, quản lý, giám sát thị trường tín dụng, thị trường tài chính, phòng ngừa rủi ro của hệ thống, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thực hiện giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Thống đốc nhấn mạnh cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng hết sức, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện luật làm sao thông qua dự án Luật ở kỳ họp thứ 2, vì cũng là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, hoạt động ngân hàng đang chịu tác động rất nhiều bởi các biến động của kinh tế thế giới và trong nước.
Ngày họp 10/6 cũng là ngày họp cuối cùng của đợt 1 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Từ ngày 11/6 đến ngày 18/6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết.
Quốc hội sẽ họp đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 23/6 tới./.