Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao Việt Nam

Tại lễ kỷ niệm, ngành thể dục thể thao Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao Việt Nam ảnh 1Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng cục Thể dục Thể thao. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao Việt Nam (27/3/1946-27/3/2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng ngành thể dục thể thao.

Đến dự buổi lễ có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội và các vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu.

Tại lễ kỷ niệm, bà Trương Thị Mai thay mặt Đảng và Nhà nước gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của ngành Thể dục thể thao Việt Nam.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dù đất nước đang trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc,” cùng một lúc phải lãnh đạo nhân dân ta chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và xây dựng chế độ mới, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng và Bác Hồ vẫn dành cho công tác thể dục thể thao sự quan tâm đặc biệt.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập Bộ Thanh niên Nha Thể dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền thể thao cách mạng Việt Nam với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc” nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.”

Tiếp đó, ngày 27/3/1946, Người thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài Sức khỏe và Thể dục đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, ra đời chỉ 5 tháng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành thể dục thể thao đã nhanh chóng triển khai tổ chức, điều hành các hoạt động thể dục thể thao nhằm góp phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, gây đời sống mới, mạnh và hùng cho một dân tộc đang đấu tranh vì nền độc lập.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, ngành thể dục thể thao đã bền bỉ nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, nhiều phong trào thể dục thể thao thiết thực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức chiến đấu của quân và dân, cùng cả dân tộc hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành thể dục thể thao tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật, đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới. 

Ngành thể dục thể thao cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; nâng cao vị thế, vai trò và quảng bá hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Trải qua 70 năm phát triển và trưởng thành, ngành thể dục thể thao luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.

Có thể nói, thể thao thực sự trở thành một nhịp cầu hội nhập, một kênh dẫn để văn hóa dân tộc hoà chung trong dòng chảy văn hóa thế giới mà sự kiện môn thể thao truyền thống và một trò chơi dân gian là kéo co được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể chung giữa Việt Nam-Campuchia-Hàn Quốc-Philippines là một minh chứng sống động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, với truyền thống tự hào của 70 năm phát triển, trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên ngành thể dục thể thao sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó để thể dục thể thao phát triển, tầm vóc thể lực của người Việt Nam được nâng cao.

Phó Thủ tướng mong muốn sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp trong công tác quy hoạch, đầu tư để đảm bảo những điều kiện cần thiết, một hệ thống thiết chế, hệ thống cơ sở vật chất thể thao đáp ứng được yêu cầu tập luyện trong nhà trường, trong xã hội, khơi dậy tinh thần thượng võ, trung thực công bằng không chỉ trong các giải đấu, các môn thể thao mà trong toàn xã hội.

Việc ôn lại truyền thống tự hào của ngành thể dục thể thao cũng sẽ thôi thúc mỗi người nếu chưa bắt đầu tập thể dục hãy bắt đầu, nếu đã tập thể dục nhưng chưa đều đặn hãy tập đều đặn; sẽ tiếp động lực để phong trào tập thể dục, rèn luyện thân thể trong nhà trường, trong xã hội thực sự phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục