Lá phiếu tín nhiệm: ‘Tấm gương soi’ đối với các ‘tư lệnh ngành’

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thể hiện vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy Nhà nước.
Lá phiếu tín nhiệm: ‘Tấm gương soi’ đối với các ‘tư lệnh ngành’ ảnh 1Quốc hội đã họp và lấy ý kiến biểu quyết thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Nhiều đại biểu nhận định đây là một trong những phương thức giám sát tối cao quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, qua đó góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người được lấy phiếu tín nhiệm, là “tấm gương soi” để những người giữ chức vụ nhìn lại mình và nâng cao hiệu quả công tác.

Cơ sở để điều động cán bộ

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai khẳng định việc bỏ phiếu tín nhiệm là một nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng của Đại biểu Quốc hội.

“Đại biểu Quốc hội đại diện cho người dân, cử tri cả nước thực hiện quyền giám sát. Chúng tôi đã có thời gian nghiên cứu tài liệu từ rất sớm, bao gồm báo cáo công tác của từng cá nhân cũng như các bản kê khai tài sản theo quy định. Tôi tin rằng các đại biểu sẽ công tâm và khách quan đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn,” ông Đinh Ngọc Quý cho biết.

Lá phiếu tín nhiệm: ‘Tấm gương soi’ đối với các ‘tư lệnh ngành’ ảnh 2Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Quý cho rằng đây cũng thời điểm phù hợp để lấy phiếu tín nhiệm bởi kinh tế-chính trị-xã hội đều đã đạt được những thành tựu nhất định trong hai năm rưỡi của nhiệm kỳ, các “tư lệnh ngành” cũng đã có cơ hội thể hiện nỗ lực, cố gắng của bản thân cả trong quá trình công tác và trong hoạt động nghị trường. Do đó, các đại biểu có đủ cơ sở để đánh giá, bỏ phiếu.

Đồng quan điểm, Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các trưởng ngành là một trong những nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm của cử tri tại Kỳ họp thứ 6.

[Danh sách 44 cá nhân sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm]

Ông Mạc khẳng định đây là phương thức giám sát quan trọng của Quốc hội, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Bùi Hoài Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích: “Đối với người giữ chức vụ, kết quả tín nhiệm là ‘tấm gương soi’, là đánh giá của đại biểu Quốc hội và cũng là của cử tri về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Từ đó, họ có thêm nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ.”

Lá phiếu tín nhiệm: ‘Tấm gương soi’ đối với các ‘tư lệnh ngành’ ảnh 3Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cách thực hiện đúng chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động Nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đối với cử tri, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu đối với cử tri cả nước.

“Chính vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội. Tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước,” ông Bùi Hoài Sơn nói.

Lá phiếu khách quan, công tâm

Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng việc đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không phải là chỉ tại Kỳ họp thứ 6 mà là cả một quá trình từ đầu nhiệm kỳ. Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đảm bảo tính khách quan, không ảnh hưởng đến lá phiếu của các đại biểu Quốc hội.

“Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Những nội dung này được xem xét, nhìn nhận và đánh giá trong quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm,” ông Nguyễn Trường Giang cho hay.

Lá phiếu tín nhiệm: ‘Tấm gương soi’ đối với các ‘tư lệnh ngành’ ảnh 4Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho hay bản thân ông cũng như các đại biểu mong muốn lá phiếu đánh giá phải khách quan, “không thể vì áp lực nào đó hay vì cảm tính cá nhân mà bỏ sai lá phiếu của mình” bởi lẽ, Đại biểu Quốc hội được cử tri, nhân dân gửi gắm, tín nhiệm bầu tham gia nghị trường nên phải thể hiện sự công tâm.

Chia sẻ ý kiến bên lề kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Do đó, các đại biểu sẽ xem xét, nhìn nhận cả một quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để đưa ra đánh giá một cách chuẩn xác, khách quan, công tâm nhất.”

Bà Nguyễn Thị Sửu khẳng định rằng việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là việc làm “theo thủ tục” mà sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả của cả bộ máy công quyền cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

“Khi có sự nhìn nhận toàn diện, khách quan, tuyệt đối về chất lượng, trách nhiệm cũng như năng lực, lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo của các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chắc chắn sẽ có sự chuyển biến tích cực nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn của những người trong cuộc,” bà Sửu nói./.

Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục