Làm Chủ tịch IPU-132 là sự kiện trọng đại trong lịch sử Quốc hội

Sự kiện đáng chú ý tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 đang diễn ra ở Hà Nội là việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132.
Làm Chủ tịch IPU-132 là sự kiện trọng đại trong lịch sử Quốc hội ảnh 1Chủ tịch IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU-132) đang trải qua những phiên làm việc sôi nổi với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển và thịnh vượng chung của Liên minh Nghị viện thế giới.

Sự kiện đáng chú ý tại Đại hội đồng là việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về ý nghĩa lịch sử của sự kiện này.

- Thực hiện trọng trách tổ chức Đại hội đồng 132, Quốc hội Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt cho sự kiện ngoại giao nghị viện lớn nhất hành tinh này. Đến thời điểm này trải qua một số phiên họp của Đại hội đồng và các phiên thảo luận nhóm, xin ông cho biết về tình hình chung của các phiên thảo luận trên?

Ông Trần Văn Hằng: Thực hiện trọng trách được Liên minh Nghị viện thế giới giao, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành tổ chức, chuẩn bị chu đáo cho Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội. Không chỉ riêng Quốc hội mà các bộ, ngành, các cấp cũng đã tích cực phối hợp để tổ chức thực hiện.

Đến nay, khâu tổ chức đã hoàn thành và chúng ta đã bắt đầu đi vào kỳ họp của Đại hội đồng. Mặc dù khai mạc chính thức từ ngày 28/3 nhưng thực chất, các Ủy ban của Đại hội đồng đã họp từ ngày 25/3. Phiên quan trọng nhất là ngày 29/3 là phiên họp toàn thể của Đại hội đồng.

Có thể nói, cho đến nay các Ủy ban thường trực và phiên họp của Đại hội đồng đều diễn ra rất tốt đẹp. Các đoàn nghị viện các nước trong Đại hội đồng thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề chung: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động,” chủ đề mà Việt Nam đã nghiên cứu, đề xuất và được Đại hội đồng chấp thuận.

Có những ngày, có gần 100 ý kiến phát biểu của các Đoàn xoay quanh việc phát triển bền vững như thế nào. Nhìn chung, đại bộ phận các đại biểu tham dự đều tán thành chủ đề theo đề xuất của Việt Nam; cho rằng đây là một chủ đề hết sức quan trọng và đúng với thời điểm năm cuối cùng kết thúc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ để chuyển sang một giai đoạn mới đó là giai đoạn phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến đánh giá chủ đề mà Việt Nam đề xuất rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và phù hợp với mong muốn của cộng đồng thế giới.

Các Ủy ban của Đại hội đồng như Ủy ban 1: Hòa bình và An ninh; Ủy ban 2 về kinh tế thương mại; Ủy ban về hợp tác với Liên hợp quốc; Diễn đàn nữ nghị sỹ hay Diễn đàn nghị sỹ trẻ... đều tập trung thảo luận và nhất trí cao với chủ đề này.

Các đại biểu đều đóng góp nhiều ý kiến phải làm như thế nào để "biến lời nói thành hành động," giới thiệu những giải pháp cụ thể của mỗi quốc gia. Các ý kiến nêu một vấn đề chung là muốn thực hiện các mục tiêu này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nghị viện các nước, giữa các quốc gia và từ đó, nêu cao vai trò của Quốc hội, của Nghị viện các nước trong việc thực hiện "Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động."

Cụ thể là phải thông qua các cơ chế, chính sách luật pháp rồi thông qua đầu tư ngân sách và thông qua quyết định các vấn đề chung để phục vụ cho mục tiêu này. Ngoài ra, Quốc hội mỗi nước còn có nhiệm vụ tuyên truyền đến từng người dân để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

- Tại Phiên toàn thể thứ nhất, Hội đồng điều hành IPU diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng giới thiệu và nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU-132). Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, bởi lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam được vinh dự nhận trọng trách này, xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?


Ông Trần Văn Hằng
: Phải nói rằng, đây là một trọng trách hết sức to lớn, nặng nề nhưng cũng rất đáng tự hào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã được Hội đồng điều hành nhất trí 100% giới thiệu với Đại hội đồng để bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 và Đại hội đồng đã nhất trí 100% phê chuẩn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132.

Điều này có nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 sẽ điều hành và cùng tham gia quyết định những vấn đề mà Đại hội đồng thảo luận. Đó là chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động,” chính là chủ đề mà Việt Nam đã nung nấu, nghiên cứu, đề xuất và được Đại hội đồng nhất trí đưa vào chương trình nghị sự.

Việc này còn có ý nghĩa thuận lợi bởi không chỉ Việt Nam đề xuất, định hướng thảo luận mà còn có quyền quyết định những nội dung mà Đại hội đồng thảo luận xoay quanh chủ đề chúng ta đã đề xuất.

Ngoài ra, sự kiện này còn có ý nghĩa đặc biệt, là cơ hội để chúng ta thể hiện được đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Minh chứng của việc Hội nhập sâu rộng ở diễn đàn này, là chúng ta đã tập hợp được hàng trăm đoàn nghị sỹ khắp các châu lục trên thế giới tới Việt Nam để bàn về một vấn đề gắn liền với sự phát triển của đất nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời lại có phạm vi liên quan mật thiết tới toàn nhân loại.

Ý nghĩa thứ ba là điều này còn thể hiện sự tín nhiệm và uy tín của Việt Nam nói chung, Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Là một thành viên của IPU từ năm 1979, đến nay Việt Nam đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều sáng kiến hiệu quả cho IPU. Đó cũng là cơ sở để IPU tin tưởng giao cho Việt Nam tổ chức Đại hội đồng làn này.

Sự kiện này cũng là minh chứng cho những thành công trong hội nhập quốc tế của Việt Nam và vị trí vai trò của Việt Nam đã được nâng lên mạnh mẽ như một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.


- Chủ đề chung "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" của Đại hội đồng, cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ được thảo luận nhằm bổ sung và đóng góp cho việc hoạch định những mục tiêu của Liên Hợp quốc đối với chương trình nghị sự phát triển giai đoạn sau 2015, xin ông cho biết ý nghĩa của những nội dung này đối với việc nâng cao vai trò của nghị viện trong hoạch định các mục tiêu phát triển?

Ông Trần Văn Hằng: Hiện nay Liên Hợp quốc đang thảo luận các chỉ tiêu và các nhiệm vụ cụ thể cho mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Song, những mục tiêu này có triển khai được hay không, nghị viện các nước đóng một vai trò quyết định. Bởi, để triển khai thực hiện được những mục tiêu này, cần có hành lang pháp lý, chính sách thực hiện và có nguồn ngân sách để triển khai.

Ngoài ra, còn phải tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa các nghị viện trên toàn thế giới trong quá trình triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Như vậy, vai trò của nghị viện ở đây chính là cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, quyết định phân bổ ngân sách để đảm bảo thực thi các mục tiêu trên. Một vai trò nữa của nghị viện cũng hết sức quan trọng là chức năng giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển.

Nghị viện còn là cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, bởi vậy sẽ thể hiện ý chí của nhân dân vào trong những quyết sách, chính sách đó và đồng thời thông tin tuyên truyền để vận động nhân dân thực hiện những chính sách gắn liền với đời sống người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục