Làm hợp đồng “ma”, hàng chục ôtô tạm nhập tái xuất bị sung công

Hợp đồng mua, bán hàng chục xe ôtô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam đều là giả với các doanh nghiệp có tên trong hợp đồng ở Hong Kong và Trung Quốc không tồn tại.
Làm hợp đồng “ma”, hàng chục ôtô tạm nhập tái xuất bị sung công ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xác minh của Tổng cục Hải quan cho thấy, hợp đồng mua, bán hàng chục xe ôtô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam đều là giả với các doanh nghiệp có tên trong hợp đồng ở Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục không tồn tại.

Đây là nội dung vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về trường hợp của một số công ty xin trả lô hàng xe ôtô tạm nhập tái xuất tồn ở Việt Nam.

Cụ thể, theo lãnh đạo ngành tài chính, sau khi Bộ Công an phá đường dây buôn lậu xe sang của “Dũng mặt sắt” năm 2013, cơ quan hải quan đã tiến hành rà soát toàn bộ 26 ôtô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam, chờ xuất sang Trung Quốc.

[Tuyên án vụ buôn lậu hơn 500 xe ôtô hạng sang qua Trung Quốc]

Lô hàng này của 4 công ty là: Công ty Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Giang Móng Cái, Công ty cổ phần thương mại quốc tế NC, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đức Thịnh.

Đây là những xe ôtô tạm nhập từ đối tác là các doanh nghiệp ở Hong Kong và bán cho doanh nghiệp khác ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp mở tờ khai số xe này ở cảng Hải Phòng và đang chờ thông quan tại cửa khẩu Quảng Ninh.

Theo kết quả xác minh tại Hong Kong, hải quan phía này cho biết không tìm thấy hồ sơ đăng ký của các công ty đã bán xe cho phía Việt Nam. Hải quan Hong Kong giải thích: Các công ty này đã không thiết lập đăng ký kinh doanh và chính quyền Hong Kong không có bất kỳ thông tin nào về sự tồn tại của đối tượng liên quan.

“Như vậy, các hợp đồng mua xe của các doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp Hong Kong là giả,” đánh giá của Bộ Tài chính nêu rõ.

Tương tự, với đầu tái xuất là Trung Quốc, xác nhận từ cơ quan hải quan Trung quốc cũng không phát hiện bất kỳ thông tin nào liên quan tới thông tin đăng ký của công ty mua hàng. Hợp đồng bán xe của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc bởi vậy cũng bị kết luận là “hợp đồng giả.”

Đây là việc làm theo lãnh đạo Bộ Tài chính nhằm hợp thức hóa việc vận chuyển hàng hóa từ Hong Kong vào Việt Nam đi Trung Quốc.

“Hành vi này tương tự như hành vi của các doanh nghiệp cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố và kết luận các bị can về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong vụ án Dũng mặt sắt mà Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử trong các ngày từ 26-28/4/2016,” nhận xét của đại diện Bộ Tài chính nêu.

Về việc các công ty có văn bản, đơn thư đề nghị tái xuất lô ôtô còn tồn tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, những công ty này chỉ làm dịch vụ cho các đối tác Trung Quốc, không phải tạm nhập, tái xuất theo quy định của Luật thương mại. Do vậy, việc các doanh nghiệp xin trả hàng để tái xuất theo lãnh đạo ngành tài chính là “không có cơ sở.”

Đại diện ngành tài chính cho biết, theo quy định, số hàng hóa nêu trên bị tịch thu sung công quỹ. Hiện nay, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đang xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục