Cơ quan Thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết tỷ lệ lạm phát của Brazil đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua, khi nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới này phải tiếp tục chật vật vượt qua một cuộc suy thoái kéo dài.
Theo IBGE, do giá lương thực tăng cao nên tỷ lệ lạm phát trong tháng 1/2016 đã tăng 10,71% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2003 và vượt xa mục tiêu 6,5% mà Ngân hàng Trung ương nước này đề ra.
Trong khi đó, nếu so với tháng 12/2015 tỷ lệ lạm phát trong tháng 1/2016 cũng tăng 1,27%, mức cao nhất trong tháng Giêng kể từ năm 2003. Sự kết hợp của giá cả leo thang và tăng trưởng kinh tế sa sút đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Brazil lâm vào bế tắc.
Trong cuộc họp chính sách ngày 20/1 vừa qua, sáu trong tổng số tám thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Brazil (Copom) đã bỏ phiếu đồng ý giữ lãi suất chủ chốt ở mức 14,25%, trong khi hai thành viên khác muốn tăng lãi suất.
Theo thông cáo đưa ra sau cuộc họp, Copom đã quyết định không tăng lãi suất cơ bản sau khi "cân nhắc triển vọng kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát và những nguy cơ hay bất ổn trong và ngoài nước."
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kinh tế Brazil đã suy giảm 3,8% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng trưởng âm 3,5% cả năm 2016. Trong khi đó, hai hãng đánh giá tín nhiệm Fitch và Standard & Poor’s đều hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Brazil với lập luận rằng Chính phủ đã không tuân thủ kỷ luật tài chính công.
Người khổng lồ Nam Mỹ này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras và một cuộc khủng hoảng chính trị tiếp theo./.