Lee Nguyễn: Từ đẳng cấp đến khát vọng thắng

Bản hợp đồng, cùng mức lương đắt giá nhất V-League 2009, Lee Thế Anh Nguyễn, cầu thủ Mỹ gốc Việt, đã lập cú đúp, đem lại chiến thắng 2-1 cho trước Thể Công, sau chuỗi ngày dài mong mỏi.

Bản hợp đồng, cùng mức lương đắt giá nhất V-League 2009, Lee Thế Anh Nguyễn, cầu thủ Mỹ gốc Việt, đã lập cú đúp, đem lại chiến thắng 2-1 cho  trước Thể Công, sau chuỗi ngày dài mong mỏi.
 
Đẳng cấp & Chuyên nghiệp
 
Trên sân Hàng Đẫy vòng 10, ở bàn đầu tiên, Lee cướp bóng từ pha đá hỏng của đối phương, anh làm động tác lắc nhẹ để qua người, trước khi ra chân rất nhanh. Bóng đi như kẻ chỉ găm thẳng vào góc chết khung thành Thể Công.
 
Ở bàn thứ hai, Lee Nguyễn tả xung hữu đột trong vòng cấm đối phương, bị phạm lỗi và tự anh bước lên chấm phạt đền. Cú đặt lòng rất gọn, Hoàng Anh Gia Lai dẫn Thể Công 2–1 ngay trên sân Hàng Đẫy.
 
Tất cả đều ngỡ ngàng ! Đội bóng phố núi đã không có một thế trận thuyết phục, nhưng lại là những người giành 3 điểm tuyệt đối. Và không ngoa khi nói rằng, đó là chiến thắng của riêng Lee Nguyễn.
 
Đã một vài lần Lee Nguyễn làm được như thế ở mùa giải năm nay (ví như trận Cúp Quốc gia gặp Sài Gòn United), nhưng đây hẳn phải là bận ý nghĩa nhất. Trước đây, “Ly” và “Lao” thăng hoa khi các đồng đội thăng hoa. Chỉ lần này, Lee vẫn bùng nổ trong hoàn cảnh mà các đồng đội xìu xìu.

Tình huống rất lạ ở Hoàng Anh Gia Lai và nó phần nào đó nói lên đẳng cấp, tính chuyên nghiệp, cũng như khát vọng chiến thắng nơi cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn!
  
Xét tất cả các thông số, Lee Nguyễn là cầu thủ đẳng cấp nhất mà V-League từng có được. Trưởng thành từ môi trường bóng đá Mỹ, học việc ở châu Âu, trước khi Lee quay lại cố hương để chứng tỏ.
 
Bất cứ một đồng nghiệp Việt Nam nào khi đối mặt với Lee Nguyễn, cũng thừa nhận rất khó cản cầu thủ này. Gần như nhà chuyên môn nào cũng đánh giá Lee Nguyễn ở một “trình” khác hẳn so với phần còn lại.
 
Và khán giả thì đương nhiên rất sướng, khi xem những pha xử lý bóng của cầu thủ đeo áo số 24 trong đội hình Hoàng Anh Gia Lai. Lee Nguyễn có kỹ năng qua người rất đơn giản và gọn ghẽ; khả năng ra chân cực nhanh và tốc độ với bóng có một không hai ở Việt Nam.
 
Ngay cả tiền đạo sở hữu tố chất này hay nhất ở V-League – Lê Công Vinh, cũng không dám chắc sẽ nhanh bằng một nửa Lee. Cùng với đó là óc quan sát và thiên chức làm bóng cho đồng đội, Lee hội tụ tất cả những yếu tố, để trở thành một số 10 đúng nghĩa của bóng đá cổ điển.
 
Chỉ tiếc rằng, Hoàng Anh Gia Lai đã và đang không có một số 9 thuần túy, chơi trước mặt Lee. Và thế, nhiệm vụ mà cầu thủ Việt kiều đang phải gánh trên vai, quá nặng nề.
 
Ghi được bàn thắng cho đội nhà, hẳn Lee đã trông đợi điều này từ rất lâu, khoảng thời gian HA.GL chìm trong khủng hoảng. Đây mới là lần đầu tiên sau 5 trận liên tiếp “Gỗ” mới giành được số điểm tối đa.
 
Không cần phải nói, ai cũng hiểu 2 bàn thắng của Lee Nguyễn quan trọng như thế nào. Nó không những chấm dứt những ngày tồi tệ của “Gỗ”, mà còn vực dậy một đội bóng giàu tham vọng, vực dậy niềm tin rằng họ còn có thể quay trở lại đường đua, chiến đấu và giành chức vô địch như tuyên bố của ông chủ Đoàn Nguyên Đức hồi đầu mùa.
 
Nhưng Lee vẫn còn phải học nhiều
 
Lee không quen với các trận đấu thiếu chuyên môn nhưng lại thừa các cú va chạm thái quá như ở V-League. Lee cũng không tưởng tượng ra áp lực thành tích ở một nền bóng đá thấp như Việt Nam, bởi thực tế trước đó, anh luôn là sự lựa chọn thứ yếu ở các đội bóng đã trải qua.
 
Anh chưa một lần biết fan Việt Nam lại kỳ vọng ở anh nhiều đến vậy… Có quá nhiều thứ mà một cầu thủ chuyên nghiệp như Lee Nguyễn phải học hỏi, phải thích ứng ở V-League, ngay cả tiếng mẹ đẻ để sống gần gũi với đồng đội.
 
Khi Lee Nguyễn gia nhập V-League, trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai (ngày 17/1/2009), “Gỗ” đã có nhiều đặc cách cho Lee Nguyễn khi anh đến đây.
 
Nhưng khi chấp nhận về Việt Nam chơi bóng, tức là Lee Nguyễn đã sẵn sàng hy sinh sự nghiệp đỉnh cao của mình. Ở tuổi 25, anh khó thể nuôi tiếp giấc mơ quay lại đội tuyển Mỹ, nếu chỉ chơi bóng ở V-League. Và nữa, chắc chắn cuộc sống của Lee sẽ bị đảo lộn, thói quen sinh hoạt, các kỹ năng chơi bóng cũng phải thay đổi.
 
Nếu khoản tiền lương 10.000 USD/tháng ở V-League, cùng với khoản tiền lót tay mà phía Hoàng Anh Gia Lai thông báo là “không đáng kể,” có thể là chỉ số ảo để đổi lấy sự phục vụ của Lee Nguyễn ở Pleiku?

Trong quá khứ Hoàng Anh Gia Lai từng trả cho cầu thủ hay nhất Đông Nam Á, Kiatisak đến 14.000 USD/tháng thì với cầu thủ có thương hiệu như Lee Nguyễn ít nhất phải bằng, thậm chí còn nhiều hơn thế.
 
Nhìn rộng hơn, Lee Nguyễn hẳn không muốn mình bị đem ra so sánh với nhiều ngoại binh khác đang thi đấu tại V-League 2009 mà cũng đạt tới con số 10.000 USD/tháng, bởi đẳng cấp của anh khác hẳn họ.
 
Nói gì thì nói, cuộc sống của Lee bây giờ là ở Hàm Rồng. Sân chơi của anh là V-League, chứ không phải giải vô địch Hà Lan hay Đan Mạch trước đó. Anh sẽ tiếp tục cố gắng, tiếp tục phấn đấu, để chứng minh giá trị của mình là “ngoại hạng”.
 
Chỉ có điều, nếu Hoàng Anh Gia Lai chỉ biết đến mỗi Lee Nguyễn, thì e rằng chức vô địch V-League sẽ vẫn rất xa xỉ đối với đội bóng phố Núi.
 
Một con én đâu làm nên mùa xuân?!
 
(TT&VH Cuối tuần/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục