LHQ kêu gọi bảo đảm quyền lợi của dân Nga trước các lệnh trừng phạt

Trả lời câu hỏi về khả năng các biện pháp trừng phạt Nga gây cản trở việc vận chuyển vaccine COVID-19, quan chức LHQ cho biết quan điểm của cơ quan này là cần tránh gây tổn hại cho người dân.
LHQ kêu gọi bảo đảm quyền lợi của dân Nga trước các lệnh trừng phạt ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga không được phép gây tổn hại tới lợi ích của người dân nước này.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về khả năng các biện pháp trừng phạt Nga gây cản trở việc vận chuyển vaccine ngừa COVID-19, ông Dujarric nói: "Quan điểm của Liên hợp quốc là các biện pháp trừng phạt cần tránh gây tổn hại cho người dân."

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Sovereign Wealth Management, ông Gary Korolev, nhận định các nước châu Âu không thể áp đặt lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga.

Tuy nhiên, trong trường hợp thực hiện, biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vì một động thái như vậy có thể gây tổn hại cho nền kinh tế các nước này.

Trong khi đó, ngày 9/3, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định sẽ không cùng Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Nga, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu dầu và khí đốt. Trên trang mạng xã hội Facebook, ông Orban cho biết ông đã thông báo quan điểm của Hungary tới chính phủ các nước châu Âu.

[Nga cảnh báo các nước cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine]

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và cả Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đình chỉ hoạt động của Nga ở Hội đồng châu Âu-Bắc Cực Barents, một khuôn khổ hợp tác được thành lập vào năm 1993.

Cùng ngày 9/3, thêm nhiều công ty đa quốc gia đã thông báo rút khỏi Nga. Hãng Nestle, Philip Morris và công ty sản xuất trò chơi điện tử Sony đã thêm tên mình vào danh sách này.

Công ty sản xuất thuốc lá Philip Morris cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất, trong khi Imperial Brands ngừng sản xuất và Tobacco Plc cho biết ngừng đầu tư tài chính, song vẫn duy trì hoạt động tại Nga.

Trong khi đó, hãng Sony cho biết bộ phận trò chơi điện tử PlayStation sẽ không chuyển hàng tới Nga và ngừng các giao dịch tại Nga.

Các tập đoàn kinh doanh khách sạn như Hilton Worldwide Holdings và Hyatt Hotels Corp cũng thông báo ngừng hoạt động tại Nga. Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Mondelez International thông báo sẽ giảm hoạt động không thiết yếu, chỉ duy trì sự "liên tục" trong cung ứng thực phẩm tại Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục