LHQ kêu gọi xóa triệt để nạn phân biệt chủng tộc

Thế giới vẫn hành động chưa đủ để xóa bỏ triệt để những quan điểm sai trái xâm phạm tính đa dạng và phẩm giá của các nhóm dân tộc.
Mười năm sau khi "Tuyên bố và chương trình hành động Durban" nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được thông qua, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên sự không khoan dung có xu hướng tăng lên ở nhiều khu vực.

Đây là nhận định của Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 10 năm Tuyên bố Durban ra đời. Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng ngày 22/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh thế giới vẫn hành động chưa đủ để xóa bỏ triệt để những quan điểm và hành động sai trái xâm phạm tính đa dạng và phẩm giá của các nhóm dân tộc, do vậy cần kiên quyết chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo và loại bỏ sự phân biệt đối xử với người Cơ đốc.

Ông khẳng định những thành kiến trên cơ sở yếu tố tôn giáo không có chỗ đứng trong thế giới ngày nay và quyền của tất cả mọi người phải được bảo vệ mà không có bất kỳ sự phân biệt nào.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh từ năm 2001 đến nay đã có thêm các quy định pháp luật, cơ quan pháp lý bảo vệ sự công bằng cũng như biện pháp truy tố các hành vi nghiêm trọng chống lại nhân loại, như tội diệt chủng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các hình thức nộ lệ hiện đại, tuy nhiên, chính sự thiếu hiểu biết và không khoan dung là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra những xung đột, trong đó chứa đựng những thù hằn dân tộc và sự phân biệt đối xử, tạo ra trở ngại lớn đối với sự phát triển.

Tình hình kinh tế khó khăn chỉ là yếu tố làm trầm trọng thêm vấn đề này, vì sự cạnh tranh việc làm và những khó khăn khác thường gây ra sự thù ghét đối với người nhập cư và thiểu số.

Tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 Nassir Abdulaziz Al-Nasser cũng lưu ý rằng còn rất nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khi "những trường hợp bài ngoại, phân biệt chủng tộc và không khoan dung đã tăng cả về mức độ nghiêm trọng và tần số xuất hiện," đồng thời khẳng định trách nhiệm của các quốc gia là "phải thực hiện các biện pháp pháp luật cần thiết để ngăn chặn nảy sinh các hành động phân biệt đối xử và mang lại sự công bằng cho các nạn nhân"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục