Liên hợp quốc kêu gọi các tổ chức toàn cầu đầu tư hơn nữa vào châu Phi

Tổng thư ký LHQ cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu kém hiệu quả khi "bỏ mặc" các nước đang phát triển, nguồn lực để phục hồi sau đại dịch ít ỏi... là những thách thức chính mà châu Phi phải đối mặt.
Liên hợp quốc kêu gọi các tổ chức toàn cầu đầu tư hơn nữa vào châu Phi ảnh 1Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa (Somalia) ngày 14/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nhau, trong đó châu Phi có những thách thức lớn.

Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi ông phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, ngày 18/2.

Hệ thống tài chính toàn cầu không công bằng và kém hiệu quả khi “bỏ mặc các nước đang phát triển,” tình trạng bất bình đẳng sâu sắc cũng như nguồn lực để phục hồi sau đại dịch COVID-19 ít ỏi là những thách thức chính mà châu Phi đang phải đối mặt - theo ông Guterres.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định xung đột ở Ukraine và biến đổi khí hậu đang làm cho cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn, đặt các cộng đồng và cuộc sống người dân châu Phi vào tình thế nguy hiểm khiến hàng triệu người phải di cư.

Ông Guterres cho rằng các nước đang phát triển đang cần được "lắng nghe" nhiều hơn trong các tổ chức toàn cầu, trong đó có cả trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế.

Các ngân hàng phát triển đa phương cần chuyển đổi mô hình kinh doanh và áp dụng cách tiếp cận mới để giúp thu hút thêm dòng vốn tư nhân vào châu Phi.

Người dân trên khắp Lục địa Đen đang phải hứng chịu những tác động tàn khốc nhất với các trận lũ lụt, các đợt hạn hán và nạn đói, mặc dù các quốc gia ở châu lục này chịu ít trách nhiệm nhất đối với các cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.

[UNDP kêu gọi xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở châu Phi]

Bà Josepha Sacko - Ủy viên AU về nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế xanh và môi trường bền vững - ngày 18/2 đã kêu gọi chính phủ các nước châu Phi huy động các nguồn lực bền vững để tài trợ cho nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của người dân.

Quan chức AU đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo châu Phi thực hiện các cam kết trong tuyên bố Malabo 2014.

Phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh AU, bà Sacko cho biết AU đang muốn nhấn mạnh rằng phần lớn các quốc gia thành viên không đầu tư 10% ngân sách quốc gia vào nông nghiệp và đang "đứng ngoài cuộc chơi."

Trong khi đó, trung bình cứ bốn người ở châu Phi thì có một người phải đối mặt với nạn đói trầm trọng khi đại dịch COVID-19 tấn công mạnh vào lục địa này vào năm 2021.

Các nước châu Phi “cần phải chuyển đổi nền nông nghiệp và nuôi sống người dân của mình trong thời kỳ khó khăn này” bằng cách đầu tư ít nhất 10% ngân sách quốc gia của họ vào nông nghiệp bao gồm phát triển chăn nuôi, thủy sản và cây trồng - bà Sacko cho hay.

Liên hợp quốc kêu gọi các tổ chức toàn cầu đầu tư hơn nữa vào châu Phi ảnh 2Người tị nạn tại N'Djamena (Cộng hòa Chad). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuối tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố kết quả một cuộc khảo sát, cho biết biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của 88% dân số châu Phi.

Cuộc khảo sát của EIB được thực hiện tại các quốc gia bao gồm Angola, Cameroon, Côte d'Ivoire, Ai Cập, Jordan, Kenya, Maroc và Tunisia. Kết quả khảo sát khẳng định biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân châu Phi, với 61% cho rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng.

Hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lụt là nguyên nhân chính của những tổn thất này.

Hơn một nửa số người châu Phi được hỏi cho biết họ, hoặc những người mà họ biết, đã thực hiện một số hành động để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có việc đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm nước để giảm tác động của hạn hán.

Trong khi đó, hơn 1/3 tổng số người tham gia khảo sát cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân ở đất nước họ đang phải đối mặt, bên cạnh những thách thức lớn khác như lạm phát hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

EIB cho rằng châu Phi hiện cần tăng chi tiêu thêm vài trăm tỷ euro/năm cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục