"Các đồng minh phương Tây đã cực kỳ may mắn khi người Nga, chứ không phải họ, là những người phải trả cái giá lớn nhất để đánh bại phátxít Đức" - đó là lời mở đầu trong bài viết đăng tải trên tờ Independent, nhân dịp Nga tổ chức lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng phátxít 9/5.
Theo bài viết này, trong tâm trí của người phương Tây - đặc biệt là người Mỹ - Chiến tranh thế giới thứ II là cuộc chiến mà họ giành phần thắng. Những cuộc giao tranh đã diễn ra trên bờ biển Normandy và Iwo Jima, qua những thị trấn đổ nát được chiếm lại ở Pháp, và kết thúc bằng những khung ảnh đen trắng ghi lại niềm vui và tình yêu ngập tràn ở New York.
Đó là chiến thắng được định hình nhờ sự cứng rắn của tướng Dwight D.Eisenhower, tư tưởng đạo đức của thủ tướng Anh Winston Churchill, và sức mạnh tuyệt vời của bom nguyên tử.
Nhưng câu chuyện sẽ được kể khác đi rất nhiều ở Nga, nơi Thế chiến II được gọi là Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, và được nhớ đến theo một cách hoàn toàn khác.
Ngày 9/5 vừa qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì một trong những buổi lễ duyệt binh lớn nhất tại Moskva để kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Liên Xô trước phátxít Đức. Buổi diễu binh có sự tham gia của hơn 16.000 quân nhân, 140 máy bay và 190 chiếc xe quân sự các loại, với sự góp mặt của cả những chiếc xe tăng Armata thế hệ mới.
Đó là một sự kiện lớn, nhưng có rất ít nguyên thủ quốc gia trên thế giới tới dự, hay nói đúng hơn là có rất ít lãnh đạo phương Tây tham gia. Nó phản ánh những căng thẳng địa chính trị hiện nay, khi quan hệ giữa ông Putin với phương Tây đã đóng băng sau một năm Nga can thiệp vào tình hình Ukraine. Khi xe tăng Armata của Nga trục trặc trong một buổi diễn tập, truyền thông phương Tây đã không khỏi cười thầm.
Nhưng sự căng thẳng đã che khuất đi những điều đáng được kỷ niệm: Bắt đầu từ năm 1941, Liên Xô đã đứng mũi chịu sào trước các cuộc tấn công của phátxít và đóng vai trò gần như là quan trọng nhất trong chiến thắng của phe Đồng minh. Tính sơ bộ thì số lính Mỹ ngã xuống dưới tay phátxít Đức chỉ bằng 1/80 số binh sỹ Liên Xô.
Hồng quân đã trở thành "động lực chính dẫn đến sự hủy diệt của chủ nghĩa phátxít," theo nhận xét của nhà sử học kiêm nhà báo người Anh Max Hastings, trong cuốn sách "Hỏa ngục: Thế giới trong chiến tranh, 1939-1945."
Liên Xô đã phải trả cái giá lớn nhất: dù con số không chính xác, nhưng có khoảng 26 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có 11 triệu người là quân nhân. Đồng thời, quân phátxít Đức cũng bị thiệt hại tới 3/4 sau những trận đại bại trước Hồng quân.
"Khối Đồng minh phương Tây đã cực kỳ may mắn khi người Nga chứ không phải họ mới là những người phải trả gần như là toàn bộ cái giá bằng máu để đánh bại phátxít Đức, gánh chịu tới 95% tổn thất quân sự của ba quốc gia Đồng minh," Hastings viết.
Các trận đánh mang đậm chất sử thi, đẩy lùi cuộc tiến công của quân phátxít - gồm trận vây ráp giữa mùa đông khắc nghiệt ở Stalingrad, cuộc đụng độ giữa hàng ngàn xe tăng, thiết giáp ở Kursk (cuộc chiến xe tăng lớn nhất lịch sử) - hoàn toàn vượt xa những trận đối đầu ở mặt trận phía Tây, nơi phátxít Đức điều ít binh lực tới hơn. Mức độ tàn bạo trong các trận đánh này cũng hoàn toàn khác so với ở chiến trường phía tây.
Đa phần Đông Âu ngày nay được Hitler coi như "lebensraum" - không gian sống cho đế quốc và chủng tộc Đức. Suy nghĩ đó đã kéo theo ý định xóa sổ hàng loạt cư dân của lục địa này.
Ý định này bao gồm cuộc thảm sát diện rộng hàng triệu người châu Âu gốc Do Thái, đa phần sống ngoài vùng biên giới Đức về phía đông trước chiến tranh. Nhưng hàng triệu người khác cũng đã bị giết, bị lạm dụng, tước đoạt đất đai và bỏ mặc cho chết đói.
"Cuộc Đại diệt chủng đã phủ bóng lên những kế hoạch giết chóc của phátxít Đức. Hitler không chỉ muốn xóa sổ người Do Thái, hắn còn muốn hủy diệt Ba Lan và Liên Xô, tiêu diệt các tầng lớp cai trị, và giết 10 triệu người Slav," nhà sử học Timothy Snyder viết trong cuốn sách "Vùng đất đẫm máu: châu Âu giữa Hitler và Stalin."
Đến năm 1943, Liên Xô đã mất khoảng 5 triệu binh sỹ và 2/3 sức sản xuất công nghiệp, chỉ để ngăn chặn bước tiến của quân Đức Quốc xã.
Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho lòng can đảm và những nỗ lực tham chiến của Liên Xô. Nhưng nó tới với một cái giá rất đắt.
Trong cuốn hồi ký của mình, Eisenhower đã bày tỏ nỗi kinh hoàng trước mức độ tàn bạo của cuộc chiến: “Khi chúng tôi tới Nga năm 1945, tôi không hề thấy một ngôi nhà nào còn đứng vững giữa biên giới phía tây và khu vực quanh Moscow. Tướng Zhukov nói rằng rất nhiều phụ nữ, trẻ em và người già đã bị giết hại, nhiều đến mức chính phủ Nga không bao giờ có thể ước tính được tổng số.”
Theo một số lời kể, 60% số hộ gia đình ở Liên Xô đã mất một người thân trong gia đình hạt nhân của họ.
Với các quốc gia láng giềng của Nga, rất khó chia tách chiến thắng của Liên Xô khỏi hàng thập kỷ Chiến tranh lạnh theo sau đó. Một người có thể than thở rằng những hy sinh trong quá khứ đã tạo nên chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của người Nga hôm nay, hiện đang mang lại lợi ích cho ông Vladimir Putin.
Nhưng chúng ta không nên quên cách thức mà người Liên Xô giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu, và những hy sinh khủng khiếp mà họ đã chấp nhận để có được chiến thắng ấy./.