Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, địa phương dự kiến nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công năm 2025 gần 7.500 tỷ đồng, gồm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương quản lý hơn 5.700 tỷ đồng, nguồn ngân sách trung ương quản lý hơn 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Long An sẽ tiếp tục tích cực huy động mọi thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh theo các hình thức đầu tư PPP, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm,… để có đủ nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, việc dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được xây dựng trên cơ sở kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 đã được phê duyệt.
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Việc phân bổ vốn thực hiện đúng theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025, đảm bảo đủ vốn thanh toán trong năm 2025 để thực hiện hoàn thành đúng tiến độ đã được phê duyệt, không kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau.
Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình thực hiện việc phân bổ vốn phải bảo đảm theo thứ tự ưu tiên gồm: ưu tiên bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng trong năm 2024 chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; dự án hoàn thành trong năm 2025 theo thời gian bố trí vốn được quy định tại Luật Đầu tư công; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án khởi công mới có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn có liên quan.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, chú trọng quán triệt và thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đầu tư công; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy không để phát sinh nợ đọng, chỉ được khởi công xây dựng khi đã được bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân phải xem việc thực hiện đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong năm nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, giảm tỷ lệ chi thường xuyên và tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển; tăng cường thực hiện các dự án theo hình thức PPP, xã hội hóa đầu tư và huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; các ngành, các cấp và các chủ đầu tư thường xuyên phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đền bù giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công để phát hiện và xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc; đôn đốc về tiến độ, chất lượng các công trình; thực hiện tốt hoạt động đấu thầu, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà thầu tham dự thầu./.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức giải ngân vốn đầu tư công dưới 15%
Bộ Tài chính cho biết hiện tại có 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, thậm chí có nơi ghi nhận tỷ lệ giải ngân 0%.