Luật Thanh tra sẽ thể chế hóa đầy đủ chủ trương về kiểm soát quyền lực

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp 2013 về tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra, khắc phục hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.
Luật Thanh tra sẽ thể chế hóa đầy đủ chủ trương về kiểm soát quyền lực ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.

Bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho cơ quan thanh tra

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Về những nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, cho biết về Thanh tra huyện, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật.

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thanh tra Cục thuộc Tổng cục, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập...

Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan thanh tra tại một số Cục thuộc Tổng cục là đơn vị ngành dọc đóng tại địa phương đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội do Chính phủ quy định; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

[Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Đề xuất duy trì thanh tra cấp huyện]

Đồng thời bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Về Thanh tra sở, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp: theo quy định của luật; tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại, căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra.

Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.

Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xem xét kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo Luật bổ sung quy định "Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp;" đồng thời làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành.

Luật Thanh tra sẽ thể chế hóa đầy đủ chủ trương về kiểm soát quyền lực ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho các cơ quan thanh tra. Dự thảo cũng được rà soát kỹ để lược bỏ các quy định có sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, có thể thực hiện "tùy nghi" để tránh bị lợi dụng, lạm dụng khi áp dụng nhằm thực hiện hành vi tiêu cực.

Dự thảo cũng được hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng.

Tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Đến nay, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 8 chương với 118 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương.

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật rất rõ các ý kiến của đại biểu. Các đại biểu kỳ vọng dự thảo Luật sẽ tạo bước phát triển quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.

Quan tâm tới một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, một số đại biểu bày tỏ sự tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh…

Một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn việc thành lập và trách nhiệm các cơ quan thanh tra các cấp, chuyên ngành, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy, tránh chồng lấn, đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước ở các cấp, ngành, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đặt câu hỏi, các cuộc thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các sở không thành lập cơ quan thanh tra sẽ như thế nào? Quy định như vậy liệu có quá tầm đối với thanh tra tỉnh hay không? Bởi mỗi lĩnh vực có tính chất đặc thù riêng….

Luật Thanh tra sẽ thể chế hóa đầy đủ chủ trương về kiểm soát quyền lực ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Góp ý về phân định quyền hạn cụ thể giữa thanh tra Bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ, để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn, tránh chồng lấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nên quy định việc nào thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra thì thanh tra Bộ không thanh tra, để hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.

Thảo luận về nhóm quy định về Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho biết dự thảo Luật chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra.

Qua tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến các cơ quan, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung quy cơ quan thanh tra trong cơ quan Bảo hiểm xã hội; đồng thời bổ sung quy định việc tổ chức hoạt động và nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành tại Trung ương và địa phương của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh; do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các cái điều luật khác trong dự thảo Luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.

Cuối phiên họp sáng, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc "ở đâu có quản lý Nhà nước, ở đó có thanh tra," trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện. Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước hiện nay.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua với chất lượng tốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục