Luật thuế bảo vệ môi trường cần được chuẩn bị kỹ

Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường chưa bao quát hết các đối tượng hàng hóa, dịch vụ tác động nguy hại đến môi trường.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường cần chuẩn bị kỹ càng hơn trong cơ cấu văn bản pháp luật đồng thời phải đảm bao quát đầy đủ về các hành vi và sản phẩm gây tác hại môi trường cho xã hội,” ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả đưa ra ý kiến của mình về Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường vừa được các đại biểu Quốc hội thực hiện thảo luận.

Văn bản Luật sơ sài


BBáo cáo đánh giá tác động của dự án Luật thuế môi trường của Chính phủ đã chỉ ra rằng, trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hoá, mức độ ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng tăng. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và duy trì tăng trưởng bền vững, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế, chưa có điều kiện để đầu tư cải tạo môi trường. Vì vậy, ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng đã đến mức báo động.

Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không kịp thời có các giải pháp giảm dần lượng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng.

Việt Nam chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường.

Các khoản thu này đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Các khoản phí bảo vệ môi trường hiện hành là một công cụ kinh tế tác động trực tiếp đến đối tượng gây ô nhiễm (phí thu vào nguồn gây ô nhiễm) nhưng vì các loại phí có tính pháp lý thấp, mức thu thấp nên tác dụng còn chưa mạnh. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng chính sách thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào các sản phẩm gây ô nhiễm, những sản phẩm mà việc sử dụng chúng gây tác động xấu tới môi trường.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội một Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường gồm 4 Chương, 14 Điều.

Với những yêu cầu được đặt ra rất rõ ràng như vậy, song khi tiếp cận với nội dung bản dự thảo Luật, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, Dự thảo Luật vẫn còn sơ sài cả về hình thức văn bản lẫn danh mục đối tượng thuộc diện chịu thuế.

Cụ thể Dự thảo Luật đưa ra năm đối tượng hàng hóa chịu thuế môi trường là xăng dầu các loại, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp (túi nilông) và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Trong thực tế lại vẫn còn rất nhiều đối tượng hàng hóa hàng khác (chất tẩy rửa, hạt nix, thuốc nhuộm, sản xuất khai thác gỗ, giấy, chế biến cao su, xuất và chế biến thức ăn gia súc, trang trại chăn nuôi, làng nghề, các nhà hàng, khách sạn xả thải...) cũng gây ra tác động xấu đến môi trường đã không được đề cập đến. Như vậy, Luật Thuế bảo vệ môi trường khó mà đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường.

“Nội dung của dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường chưa đủ tầm và phù hợp với cái tên của luật,” ông Ánh nói.

Ai thuộc diện chịu thuế?

Đồng tình với quan điểm cho rằng Luật Thuế bảo vệ môi trường còn sơ sài và cần phải làm lại đồng thời Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ đóng góp thêm ý kiến vào Dự thảo Luật, nếu sắc thuế chỉ đánh vào người tiêu dùng là chưa đi đúng mục tiêu.

Theo Dự thảo, công cụ tài chính liên quan đến thu nhằm góp phần bảo vệ môi trường gồm phí bảo vệ môi trường thu trực tiếp vào chủ thể xả thải ra ô nhiễm, cả trong sản xuất và tiêu dùng. Thuế bảo vệ môi trường thu vào một số loại hàng hóa mà khi sử dụng nó gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng.

Mục đích của Luật Thuế bảo vệ môi trường nhằm làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa, từ đó, có thể sử dụng thuế để kích thích, điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường và khuyến khích, điều chỉnh định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

Tuy nhiên ông Võ chỉ ra, cả thuế và phí đều được đưa vào giá thành và cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn là người trả các khoản thu đó, doanh nghiệp chỉ là người đóng hộ.

Trong khi đó, có một thực tế khác là quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước không phải một sớm một chiều có thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho nhóm hàng hóa mà Luật hướng tới.

Vì vậy, khi không có nhiều lựa chọn, người tiêu dùng sẽ vẫn phải sử dụng các sản phẩm bị liệt vào đối tượng hàng hóa bị đánh thuế. Khi luật có hiệu lực thi hành, giá cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ này sẽ tăng giá, tất nhiên sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội.

“Theo tôi, nên xác định lại đối tượng chịu thuế trong giai đoạn hiện nay. Đánh thuế trực tiếp vào hoạt động sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường thì sẽ là hợp lý hơn, như trường hợp của công ty Vedan là ví dụ,”  ông Võ nói./.

Di Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục