LV chia tay nhà thiết kế huyền thoại Marc Jacobs

Màn catwalk của Louis Vuitton dàn dựng tại Paris hôm 2/10 được xem như sự tri ân dành cho giám đốc sáng tạo đã có 16 năm gắn bó này.
Màn catwalk của thương hiệu Louis Vuitton được dàn dựng tại Paris hôm 2/10 đã được mở màn bằng những tiếng đồng hồ đếm dần thời gian tới nửa đêm.

Đây được xem như một sự tri ân dành cho giám đốc sáng tạo Marc Jacobs - người sẽ rời tập đoàn thời trang này sau 16 năm gắn bó để phát triển thương hiệu riêng của mình.

Nhà thiết kế người New York này được xem như nhân tố chính giúp đưa LV từ một hãng dựa chủ yếu vào sản xuất vali, túi xách trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ thành công nhất thế giới.

Ông hiện đang có kế hoạch niêm yết thương hiệu riêng Marc Jacobs lên thị trường chứng khoán trong vòng ba năm tới.

LVMH - tập đoàn xa xỉ sở hữu Louis Vuitton và nắm phần lớn cổ phần tại Marc Jacobs kể từ năm 1997 - cho biết rằng hãng đã đi đến một thỏa thuận với nhà thiết kế này cùng cộng sự kinh doanh của ông là Robert Duffy nhằm "hỗ trợ" họ trong kế hoạch IPO.

Hiện chưa rõ rằng liệu LVMH sẽ giữ nguyên cổ phần của mình trong Marc Jacobs khi thương hiệu này lên sàn, hay nhà sáng tạo lừng danh sẽ dành tài sản để mua lại hết cổ phần từ hãng.

Nếu điều thứ hai xảy ra thì đó sẽ là một thương vụ khổng lồ, theo như giám đốc điều hành Bernard Arnault của LVMH tuyên bố hôm 2/10: "Khi chúng tôi cùng nhau khởi điểm, Marc Jacobs chỉ là một công việc kinh doanh nhỏ với giá trị khoảng 20 triệu USD. Thế mà giờ đây tổng doanh số của hãng đã xấp xỉ 1 tỷ USD, một mức tăng trưởng khổng lồ."

Một nhân vật có vai vế khác của LV là Michael Burke cũng cho biết hãng sẽ đầu tư vào việc nhân rộng chuỗi cửa hàng Marc Jacobs. Tuy vậy, Marc Jacobs cũng cần chứng tỏ giá trị với tư cách là một thương hiệu độc lập nếu muốn được lòng cổ đông tương lai.

"Hiện Marc Jacobs đang được đánh đồng với LVMH và nó cần phải được tách ra," một nguồn tin nội bộ chia sẻ. Nhà thiết kế Marc Jacobs vẫn sẽ là chìa khóa trong việc phát triển kinh doanh, nhưng công ty này cũng cần chứng tỏ mình sẽ không quá dựa dẫm vào một cái tên đơn lẻ.

"Thật rất khó nếu muốn IPO một công ty mà nó có 'rủi ro xe buýt' - nghĩa là nếu Marc Jacobs có vô tình bị xe buýt chẹt thì công ty sẽ mất giá trị. Họ cần tạo ra thêm nhiều giá trị bằng việc nhân rộng thêm các mặt hàng."

Từ trước tới nay, không nhiều thương hiệu được IPO mà chỉ gắn liền với một nhà thiết kế đương đại. Nổi tiếng nhất có lẽ là Donna Karan, thương hiệu được đưa lên sàn năm 1996 và có mức tăng khủng khiếp trong ngày đầu, từ 4 USD lên tới 24 USD một cổ phiếu.

Thế nhưng các nhà đầu tư nhanh chóng mất niềm tin và con số đó chỉ còn 9 USD vào một năm sau. LVMH đã thôn tính ngay Donna Karan vào năm 1997, gần như cùng thời điểm hãng mua về Marc Jacobs.

Sự ra đi của Marc Jacobs khỏi Louis Vuitton không chỉ liên quan tới thương hiệu của riêng ông mà còn vì sự thay đổi của công ty mẹ. Những năm gần đây, LVMH liên tục muốn truyền sức sống cho thương hiệu đem về tới 7 tỷ USD trong năm 2012 này, nhưng sự tăng trưởng của nó đang chậm dần. Theo hãng Reuters, LVMH đã giảm mức tăng từ 10 phần trăm xuống còn khoảng 5 phần trăm, thua kém rất nhiều các mặt hàng xa xỉ khác.

Lo sợ rằng LV đang đánh mất ánh hào quang, LVMH lên kế hoạch nâng cấp thương hiệu thêm xa xỉ nữa. Họ đã tạm ngưng đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng LV và tập trung thêm vào các đồ da cao cấp. Hiện người được xem như sẽ kế nhiệm Jacobs là Nicholas Ghesquière, nhà thiết kế cũ của Balenciaga.

Ông Arnault cũng đã bổ nhiệm Darren Spaziani, cựu giám đốc Proenza Schouler và từng làm việc với cả Jacobs lẫn Ghesquièrein trong quá khứ để phát triển một nhánh phụ kiện xa xỉ hàng đầu cho LV./.

Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục