Lý do EU có thể ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận

Theo cây bút bình luận về châu Âu Wolfgang Münchau, lãnh đạo EU đang đối mặt nguy cơ Brexit không thỏa thuận là do thiếu kiên quyết trước vấn đề có nên tiếp tục gia hạn lùi ngày Anh rời EU hay không.
Lý do EU có thể ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chúng ta thường nghĩ rằng việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thỏa thuận hay không thỏa thuận hiện do phía Anh quyết định chứ không phải do phía EU.

Tuy nhiên, cây bút bình luận về châu Âu Wolfgang Münchau vừa qua đã có bài viết đăng trên tờ Financial Times với nội dung cảnh báo rằng lãnh đạo các nước EU đang đối mặt với nguy cơ Brexit không thỏa thuận là do thiếu kiên quyết trước vấn đề có nên tiếp tục gia hạn lùi ngày Anh rời EU nữa hay không.

Ông Wolfgang Münchau cho rằng EU đang tiến đến thời khắc quan trọng trong tiến trình Brexit - chứ không phải nước Anh.

Lãnh đạo các nước EU sẽ có cuộc gặp trong tuần này và một trong số các vấn đề sẽ được thảo luận là việc đánh giá lại vấn đề Brexit.

Đây là thời khắc hoàn hảo để lãnh đạo EU nhìn nhận lại vấn đề bế tắc và những rủi ro mà Brexit không thỏa thuận mang lại.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho đến nay vẫn chia rẽ giữa một bên là những người muốn Anh đảo ngược Brexit và một bên là những người muốn Anh tiếp tục tiến trình Brexit, cơn sóng thủy triều dâng lên nghiêng về nhóm thứ hai.

Khi đảng Brexit do ông Nigel Farage dẫn dắt giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ở Anh vừa qua, những người ủng hộ ông Farage đang bắt đầu quay trở lại định hình cuộc thảo luận về nước Anh như những gì từng diễn ra trước thời kỳ tổng tuyển cử tại Anh năm 2015, đây là điều mà các nhà lãnh đạo EU không muốn lặp lại.

Hành động đúng nhất cho EU lúc này là giữ nguyên những gì họ đã tuyên bố hồi tháng 3/2019: Hãy đối mặt với nước Anh trước 2 lựa chọn, hoặc là chấp nhận thỏa thuận "ly hôn" đang có hoặc là rời EU mà không có thỏa thuận nào vào cuối tháng 10.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đưa ra tranh luận vấn đề này hồi tháng 4 và sau đó ông đã phải thỏa hiệp.

[EU thể hiện rõ lập trường không tái đàm phán Brexit với Anh]

Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều thành viên trong Hội đồng châu Âu ủng hộ ông Macron.

Theresa May - Thủ tướng sắp ra đi của nước Anh - là một nhà đàm phán giỏi, nhưng lại là một chiến lược gia tồi.

Bà May đã thể hiện điều này khi bà đóng khung Brexit trong 3 lựa chọn: Brexit có thỏa thuận, Brexit không thỏa thuận và không có Brexit.

Đầu óc con người khó có thể xử lý được tình huống với 3 lựa chọn đan chéo nhau. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra đối với các thể chế chính trị.

Khi phải đối mặt với những lựa chọn như vậy, chúng ta thường bị rơi vào tình trạng rối ren - giống như nỗ lực vô ích để loại bỏ lựa chọn Brexit không thỏa thuận ra khỏi chương trình nghị sự và không có cách nào chiếm được thế đa số ủng hộ trong Hạ viện.

Nếu như tháng 12/2018, bà May và EU thống nhất với nhau việc giảm bớt lựa chọn từ 3 xuống còn 2 - Brexit có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận - khi đó, Hạ viện sẽ có nhiều động cơ hơn để bỏ phiếu lựa chọn một cái.

Nếu như ông Boris Johnson trờ thành tân Thủ tướng Anh thay bà May, có lẽ ông sẽ bắt đầu từ điểm mà người tiền nhiệm của ông bị lạc lối.

Ông không nên tính đến việc tái đàm phán thỏa thuận rời khỏi EU, và EU cũng sẽ không bước vào những cuộc đàm phán mới.

Ông có thể sẽ phải đưa ra một tuyên bố chính trị mới, và sẽ trình lên một kế hoạch như một lựa chọn định mệnh cuối cùng đối với vấn đề Brexit.

Để chiến lược này thực hiện được, ông Johnson cần EU đóng vai trò như một người cùng chủ mưu. Với một thời hạn chốt cứng rắn, Hạ viện, chứ không phải là Thủ tướng, sẽ là bên lựa chọn giữa Brexit có thỏa thuận hay không thỏa thuận.

Không nên để xảy ra tình trạng quốc hội tạm ngưng hoạt động trước lựa chọn của riêng mình. Tốt nhất là không cần nghe các ứng cử viên của đảng Bảo thủ nói về các kỹ năng đàm phán vì sẽ chẳng còn gì để phải đàm phán nữa.

Giữa hai lựa chọn Brexit có thỏa thuận và không thỏa thuận, tất nhiên, mối đe dọa về một Brexit không thỏa thuận không nên bị xem nhẹ.

Lãnh đạo các nước EU cần phải chuẩn bị điều này. Họ cần yêu cầu Ủy ban châu Âu đảm bảo không để gián đoạn việc lưu thông vận chuyển các hàng hóa thiết yếu giữa Anh và EU nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận.

Tờ Finance Times cho biết một biên bản họp nội các mật đã cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận có thể gây ra khó khăn cho việc cung cấp dược phẩm vào Anh.

Nguy cơ này có thể ảnh hưởng đến cả Anh và EU. Do vậy, EU đừng nên chỉ nhắc đến việc Anh sẽ trở nên tồi tệ ra sao nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận.

Lãnh đạo EU nên suy ngẫm về tương lai mối quan hệ. Nếu như thỏa thuận rời khỏi EU được thông qua, các cuộc đàm phán về tương lai mối quan hệ sẽ bắt đầu ngay lập tức.

Nếu không, EU và Ireland sẽ phải tìm kiếm những sắp đặt thay thế khác cho kế hoạch biên giới Ireland. Nước Anh đã thông qua luật đảm bảo các quyền của công dân EU, và không có gì để nghi ngờ Anh cũng sẽ giải quyết ổn thỏa các nghĩa vụ tài chính của mình.

Các vấn đề như kế hoạch chốt chặn biên giới, các quyền của công dân, nghĩa vụ tài chính, thời kỳ chuyển đổi là các nội dung chính trong thỏa thuận "ly hôn", tất cả những điều này sẽ bị đảo lộn nếu như Brexit không thỏa thuận xảy ra.

Nhiều người cho rằng thỏa thuận rời khỏi EU của bà May vẫn có cơ hội được thông qua, do vậy, Brexit không thỏa thuận sẽ không xảy ra.

Tân Thủ tướng Anh cần để Hạ viện có cơ hội cuối cùng để thông qua Brexit. Hội đồng châu Âu cần giúp Hạ viện Anh không phải bằng cách mở lại các cuộc thảo luận về thỏa thuận Brexit mà bằng cách từ chối không chấp thuận tiếp tục gia hạn lùi ngày Anh rời EU đến sau 31/10.

Lãnh đạo EU cần nhận ra rằng Brexit không thỏa thuận có thể xảy ra nếu họ vẫn do dự, không dứt khoát trong vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục