Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát
Trước khi biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Báo cáo đã giải trình làm rõ các vấn đề về tổ chức thực hiện giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Điều 7a và Điều 7b), tổng hợp, theo dõi việc trả lời kiến nghị của cử tri (Điều 51); chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; điều hòa hoạt động các đoàn giám sát chuyên đề; việc quy định các nội dung cụ thể về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; một số nội dung cụ thể phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 5 đã được tiếp thu thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật trên tinh thần cụ thể hóa các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát.
Về tổ chức thực hiện giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa rõ; đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể nhằm tạo căn cứ pháp lý đầy đủ cho Ban dân nguyện trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật vì đây là thực tế đã được duy trì qua nhiều khóa Quốc hội. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là hoạt động giám sát thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay, Ban dân nguyện và Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện một số hoạt động thuộc nội dung giám sát nêu trên. Vì vậy, việc bổ sung quy định làm rõ vai trò, cách thức để Ban dân nguyện, Ban công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là cần thiết; tán thành với việc bổ sung hai điều (Điều 7a và Điều 7b) quy định về nội dung này trong dự thảo Quy chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm tốt công tác điều phối trong hoạt động giám sát. Nêu những vấn đề thực tế từ các cuộc giám sát thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị "cố gắng một năm không quá 4 đoàn xuống 1 địa phương."
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu lên thực tế có một số địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện giám sát, cần rút kinh nghiệm.
"Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thực hiện việc giám sát cho nên phải nghiêm túc, không thể đùa được," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (mục 1 Chương II), một số ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo Quy chế về trách nhiệm trả lời chất vấn của người bị chất vấn (khoản 2 Điều 9) nhưng đề nghị cần quy định khái quát hơn, đồng thời, cần cân nhắc một số trường hợp đặc biệt người bị chất vấn không thể tham dự phiên chất vấn. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 9 để bảo đảm tính khái quát, đồng thời, bổ sung quy định: “Trường hợp có lý do đặc biệt, chính đáng không thể tham dự phiên họp thì người bị chất vấn gửi văn bản nêu rõ lý do đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định” để phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm tính khả thi của dự thảo Quy chế.
Để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến không nên quy định trong Quy chế về trình tự tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Về vấn đề trả lời chất vấn bằng văn bản, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật họa động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: “văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.”
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung nội dung đề nghị "quy định rõ đối với những nội dung cho trả lời bằng văn bản thì sau hai ngày kể từ ngày kết thúc phiên chất vấn, người bị chất vấn phải có văn bản gửi tới đại biểu Quốc hội và Ban thư ký để tổng hợp" trong Quy chế.
Với đa số tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; điều hòa hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội; xem xét việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát; một số nội dung về công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát.
Thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Quy chế áp dụng đối với Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Quốc phòng và cá nhân, tổ chức trong các cơ quan này có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Nguyên tắc phối hợp: bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trước khi biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và tán thành cao Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Báo cáo đã làm rõ hơn về tên gọi của Quy chế; hình thức phối hợp; nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế.
Theo dự kiến chương trình, chiều 19/1 sẽ bế mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.