Mua ngay, trả tiền sau - xu hướng thanh toán mới được ưa chuộng

AfterPay cho phép khách hàng được sở hữu vật phẩm mà họ muốn mua và chia nhỏ số lần thanh toán làm 4 lần mà không phải trả thêm bất kỳ một chi phí phát sinh hay khoản lãi dịch vụ nào.
Mua ngay, trả tiền sau - xu hướng thanh toán mới được ưa chuộng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: businessoffashion.com)

Bạn đã bao giờ đứng trước một bộ đồ thời trang yêu thích và thầm mong ước giá như có thể trả góp thay vì thanh toán một lần?

Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào để sở hữu một món đồ mới bằng hình thức “mua ngay, trả tiền sau.”

Tất cả những mong muốn đó giờ đây không còn là điều quá xa vời với hình thức mua sắm công nghệ mới AfterPay.

AfterPay là gì?

AfterPay là một công ty công nghệ tài chính (fintech) ra đời đầu năm 2015, tại thành phố Sydney (bang New South Wales), Australia.

Chức năng hoạt động chính của AfterPay tập trung vào việc cung cấp các giải pháp thanh toán “mua ngay, trả tiền sau” trực tuyến, cho phép khách hàng được sở hữu vật phẩm mà họ muốn mua và chia nhỏ số lần thanh toán làm 4 lần mà không phải trả thêm bất kỳ một chi phí phát sinh hay khoản lãi dịch vụ nào.

Tại Australia, quê hương của AfterPay, nền tảng thanh toán này hiện là một trong những phương tiện được ưa chuộng nhất, đặc biệt là trong cộng đồng những người trẻ, thế hệ millennial và GenZ (nhóm thanh niên ở độ tuổi 20 ưa thích sử dụng công nghệ), vốn ngày càng “ác cảm” với việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong mua sắm.

[Đồng tiền xu cũng trở thành "nạn nhân" của đại dịch COVID-19 tại Mỹ]

Vậy so với các loại hình thanh toán và dịch vụ ngân hàng trả góp khác, AfterPay có ưu điểm gì và vì sao hình thức này lại được ưa chuộng?

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng tôn chỉ của AfterPay là ưu tiên cho quyền lợi của khách hàng tiêu dùng. Việc đăng ký sử dụng AfterPay vô cùng dễ dàng và hoàn toàn trực tuyến.

AfterPay không tính lãi đối với các khoản trả chậm, nếu khách hàng thực hiện tất cả các khoản thanh toán đúng hạn, họ sẽ không phải trả thêm bất kỳ một khoản chi phí phát sinh nào ngoài giá mua hàng ban đầu.

Ngoài ra, AfterPay không tính phí trễ hạn lũy kế đối với các khoản thanh toán chậm, khoản phí này nếu có được giới hạn ở ngưỡng dưới 25% của giá mua hàng ban đầu. Điều này giúp người tiêu dùng không phải chịu gánh nặng nợ lũy kế theo thời gian.

Rõ ràng AfterPay là một lựa chọn tốt cho người tiêu dùng, nhưng nền tảng này kiếm tiền bằng cách nào? Câu trả lời là AfterPay tính phí cho người bán, ở mức 5% dựa trên giá bán sản phẩm.

Mức phí này so với các mức chiết khấu mà những nền tảng thanh toán khác, như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, đang áp dụng là cao hơn tương đối.

Nhưng bù lại, lợi thế của AfterPay sẽ giúp người bán có thể bán sản phẩm dễ dàng hơn, với số lượng nhiều hơn và do đó tạo ra doanh số lớn hơn đủ để người bán chịu được chi phí trả cho AfterPay.

“Hiện tượng” AfterPay

Không thể phủ nhận sự nổi tiếng của AfterPay hiện đã vượt ra ngoài phạm vi Australia, trở thành một hiện tượng thành công của ngành dịch vụ tài chính thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc của hệ thống thanh toán toàn cầu.

Kết thúc năm tài chính 2019-20 (từ 1/7/2019-30/6/2020), AfterPay công bố mức doanh thu tăng trưởng lên tới 97%, đạt giá trị 519 triệu AUD (389,3 triệu USD), trong đó có 69 triệu AUD (51,75 triệu USD) thu được từ các khoản phí trả chậm.

Cũng trong năm tài chính này, nền tảng thanh toán công nghệ mới của Australia đã thu hút được thêm trung bình mỗi ngày 17.300 khách hàng mới, trong đó chỉ riêng quý 2/2020 có thêm 20.500 khách hàng mới mỗi ngày.

Lượng khách hàng tích cực của AfterPay đã tăng gấp đôi trong năm 2020 lên 9,9 triệu người, trong khi con số các thương hiệu, nhà kinh doanh hợp tác tích cực với AfterPay tăng 72%, lên 55.400 đối tác.

Trong báo cáo tài chính năm ngoái, AfterPay khẳng định doanh số bán hàng trực tuyến tại Australia và New Zealand, quốc gia mà AfterPay đã có mặt chỉ vài tháng sau khi ra mắt tại quê hương, đã tăng tốc đặc biệt nhờ nền tảng thanh toán “mua ngay, trả tiền sau” tối ưu.

Danh tiếng vươn ra toàn cầu

Bất chấp đại dịch COVID-19 đang khiến ngành bán lẻ toàn cầu bị thu hẹp, năm 2020, AfterPay thông báo về kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Tây Ban Nha, Pháp và Italy thông qua thương vụ mua lại Công ty giải pháp thanh toán công nghệ Pagantis, trị giá 82 triệu AUD.

AfterPay hiện đã có mặt tại Canada, sau khi hoàn tất các bước ký kết hợp đồng với những nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Bắc Mỹ và thiết lập thành công hoạt động kinh doanh ở cường quốc lớn nhất thế giới Mỹ.

Tại châu Á, nền tảng thanh toán công nghệ này đã mua lại công ty EmpatKali có trụ sở tại Singapore và hoạt động đồng thời ở Indonesia, trong một động thái được cho là thăm dò cơ hội thâm nhập vào “các thị trường châu Á tiềm năng."

Riêng đối với Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, AfterPay đã chính thức liên kết với Công ty Tencent bằng cách bán lại 5% cổ phần cho gã khổng lồ công nghệ nhằm tăng cường “khám phá các cơ hội để tận dụng mạng lưới và các mối quan hệ có sẵn của Tencent ‘tấn công’ các khu vực mới ở châu Á.”

Mua ngay, trả tiền sau - xu hướng thanh toán mới được ưa chuộng ảnh 2(Nguồn: retailbum.com)

Nhà phân tích Tim Piper của Công ty RBC Capital Markets ở Australia cho biết: “Việc tăng tốc bán hàng trực tuyến ở Australia và New Zealand, đồng thời với hoạt động mở rộng phạm vi kinh doanh theo ngành dọc của AfterPay, trong năm 2020, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm 2021.”

Dự kiến AfterPay sẽ đạt mức doanh số toàn cầu vượt ngưỡng 11 triệu AUD (8,25 triệu USD) trên toàn bộ hệ thống trong năm nay, tăng hơn 100% so với năm trước. Trong đó, doanh số bán hàng tại Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất, tiếp tục đà tăng hơn 300% của năm 2020, chiếm khoảng 60% tổng doanh số của công ty.

Triển vọng tươi sáng

AfterPay không phải là công ty duy nhất có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán tài chính “mua ngay, trả tiền sau.”

Gần đây nhất, đối thủ cạnh tranh của AfterPay là Affirm Holdings, một công ty có trụ sở chính ở Mỹ, đã nộp đơn niệm yết lần đầu ra công chúng (IPO).

Bản cáo bạch của Affirm Holdings cho thấy doanh số của công ty này đã tăng 93% trong năm tài chính 2019-20 và ghi nhận rằng “mua ngay, trả tiền sau” là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của thương mại điện tử.

“Mua ngay, trả tiền sau” của AfterPay, Affirm Holding hay các công ty khác trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính rõ ràng đang làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và cấu trúc của hệ thống thanh toán thế giới.

Hình thức thanh toán này mang lại cho khách hàng sự linh hoạt hơn, đi kèm các điều khoản tài chính tốt hơn so với các nền tảng thanh toán truyền thống.

Mặc dù hiện vẫn chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng khối lượng mua sắm thương mại điện tử, nhưng “mua ngay, trả tiền sau” hứa hẹn sẽ trở thành một xu thế dẫn đầu trong một tương lai không xa.

Nếu xu hướng này diễn ra đúng theo dự đoán thì AfterPay chắc chắn sẽ duy trì vị trí dẫn đầu của mình và trở thành một trong những câu chuyện khởi nghiệp thành công nhất của thế giới trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục