Mục tiêu khó thành

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% liệu có khả thi?

Việc tăng trưởng tín dụng đang là một con số âm liệu chỉ là "khoảng lặng đầu năm" hay báo hiệu một năm khó khăn và mục tiêu tăng 12% là không thể khả thi?
Một thông tin không mấy lạc quan xuất hiện ngay từ đầu năm là tăng trưởng tín dụng tính đến 19/2 là một con số âm (-0,16%) so với cuối năm 2012.

Trước tình hình này, nhiều lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia kinh tế lo ngại, với tình hình kinh tế vẫn khó khăn như hiện nay thì đến cuối năm tăng trưởng tín dụng khó có khả năng đạt mục tiêu đề ra 12%.

"Khoảng lặng" đầu năm

Tăng trưởng tín dụng đóng góp khoảng 70 - 75% lợi nhuận cho các ngân hàng, nên khi hoạt động này bị sụt giảm, đình trệ thì tình hình tài chính của ngân hàng không thể khơi thông.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, các tổ chức tín dụng đã tăng cường các biện pháp chăm sóc khách hàng truyền thống và tìm kiếm khách hàng mới. Thế nhưng, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến thời điểm này của ngành ngân hàng vẫn chỉ là một con số âm.

Theo ông Chu Đình Bình, Giám đốc Vietcombank Thanh Hóa: “Tăng trưởng tín dụng không dễ dàng vì doanh nghiệp chưa phục hồi, hàng tồn kho cao, nhu cầu của thị trường chưa lớn. Doanh nghiệp cũng chưa nghĩ tới đầu tư mới.” Thế nhưng, ông Bình cũng lạc quan cho rằng việc tín dụng đầu năm giảm vài phần trăm là chuyện bình thường vì mang tính chu kỳ, chưa nói lên điều gì.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho hay nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng âm là do thời điểm cuối năm các doanh nghiệp giải phóng được hàng, thu được nợ nên chuyển tiền vào hệ thống ngân hàng, trong khi đó, nhu cầu vay vốn vào thời điểm đầu năm của các doanh nghiệp lại chưa có.

"Việc tăng trưởng tín dụng âm, cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng đang giữ một lượng tiền tương đối dồi dào. Điều này sẽ gây tác động bất lợi đến hoạt động cho hệ thống ngân hàng do phải chịu lãi suất và điều quan trọng sản xuất, kinh doanh tại các địa phương cũng chưa được đẩy mạnh," lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.

Cùng đó, những chính sách của Chính phủ như giải quyết tồn kho bất động sản, cam kết cung cấp dành gói vốn trị giá 40 nghìn tỷ đồng cho mua nhà xã hội và người có thu nhập thấp của Ngân hàng Nhà nước, vẫn chưa được triển khai và hầu như chưa tác động gì nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng cũng cho rằng, đây chỉ là “khoảng lặng” trong đầu tư vốn thời điểm đầu năm do các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các dự án sản xuất, kinh doanh mới, tạo đà để tiếp cận trở lại nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả hơn.

Khó đạt mục tiêu

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu sẽ tăng trưởng khoảng 12%, đi kèm là những chính sách nhằm nới lỏng van tín dụng, từng bước giải quyết sự "nghẽn mạch" của dòng tiền.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn nên kịch bản đang có vẻ như lặp lại tương tự 2012. Năm trước, Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%, nhưng đến hết năm mục tiêu này chỉ tăng 8,91%; trong đó bao gồm cả trái phiếu Chính phủ.

Một số ngân hàng cũng đã xác định kế hoạch cho mình như Agirbank dự kiến tăng trưởng tín dụng ở mức 11-13%, BIDV khoảng 12%, VietinBank khoảng 15 - 20%, Eximbank khoảng 20%, MB là 17%.

Vậy liệu trong hoàn cảnh hiện tại, con số tăng trưởng 12% của toàn ngành ngân hàng liệu có khả thi?

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OceanBank nói: "Trong lúc khó khăn, nếu ngân hàng biết chắt lọc, biết chọn lựa khách hàng thì chắc chắn con số 12% tăng trưởng tín dụng của toàn ngành sẽ đạt được."

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank lại cho rằng: Nếu không có cơ chế gì đột biến thì tăng tưởng tín dụng năm nay cũng vẫn sẽ chật vật. Hiện nay, các ngân hàng đang thừa tiền và thực tế đang có nghịch lý là huy động tăng mà cho vay ít.

“Cán bộ tín dụng và các ngân hàng đều rất sợ cho vay ra mà không thu hồi về được, tâm lý này ảnh hưởng đến việc giải ngân và hầu hết các ngân hàng chỉ thắt chặt thêm điều kiện cho vay chứ không muốn nới lỏng để ‘ra vốn’,” ông Hưởng cho biết.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, mục tiêu này có đạt được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục quản lý chất lượng tín dụng tại các ngân hàng thương mại một cách chặt chẽ để tránh vốn đi sai chỗ, không mang lại hiệu quả.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sĩ Kiêm phân tích, rất có thể kịch bản tăng trưởng tín dụng của năm 2012 sẽ tái diễn khi mà dự báo phải chờ đến sau quý 2, tiền mới được xả mạnh ra nền kinh tế.

"Nếu tốc độ phản ứng của chính sách cũng như khả năng thực thi phối hợp của chúng ta tốt thì có khả năng cuối năm sẽ tăng nhanh và bám nút 12%. Còn nếu không, thì chắc chắn là dưới 1 con số, tức là khoảng 10% trở lại", ông Cao Sĩ Kiêm nói.

Thế nhưng, ông Kiêm cũng cho rằng cuộc chạy đua về lượng để đạt được một hay hai con số phần trăm tăng trưởng hiện cũng không còn nhiều ý nghĩa đối với các ngân hàng, mà là cuộc cạnh tranh về chất để mỗi đồng vốn có thể tìm được đến đúng địa chỉ của nó./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục