Mười năm “chứng, cổ”

Mười năm “chứng, cổ”: Chuyện đến bây giờ mới kể

Để có được con số 10 tròn trĩnh ngày hôm nay, ít ai có thể hình dung được ông Vũ Bằng và cộng sự đã từng phải dò dẫm từng bước.
Ngày 20/7 tới đây, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức lên 10! Một chặng đường chưa đủ dài, nhưng cũng không quá ngắn để nhìn nhận và có những cảm quan... Với riêng Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Vũ Bằng, để có được con số 10 tròn trĩnh của ngày hôm nay, ít ai có thể hình dung được ông và các cộng sự đã từng phải dò dẫm những bước đầu tiên đầy gian khó. Dưới đây là cuộc trò chuyện của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng với phóng viên Vietnam+ về những ký ức thuở ban đầu “khai thiên, lập địa” ấy.
“Bảy triệu rưỡi” dắt lưng Nam tiến
- Giới trong ngành vẫn đồn đại nhau câu chuyện ông và các đồng nghiệp "tay không bắt giặc" khi Nam tiến để lập Trung tâm giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy thực hư chuyện đó ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Bằng:
Khoảng cuối năm 1999, ngày đầu tiên vào làm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), tôi được Văn phòng Ủy ban cấp 7,5 triệu đồng để chi tiêu cho hoạt động và bố trí cho một phòng làm việc cũ tại tòa nhà B (trụ sở hiện nay của HoSE)!
Chưa có phương tiên liện lạc nên tôi quyết định mua một điện thoại di động hết 4,2 triệu đồng, còn lại hơn 3 triệu đồng mở tài khoản dùng mua một số vật dụng làm việc và thu xếp trụ sở để anh em chuyển từ Ngân hàng Nhà nước sang làm việc. Còn nhớ, khi đó tôi liên tục phải di chuyển giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kinh phí hạn hẹp phải ngủ nhờ nhà ông anh. Mỗi sáng, anh Trần Đắc Sinh (hiện là Tổng giám đốc HoSE) lại phải thêm một công đoạn dùng xe gắn máy qua đón tôi tới trụ sở cùng làm việc. Mặc dù điều kiện làm việc rất khó khăn nhưng tất cả anh, em chúng tôi đều hăm hở lao vào công việc chuẩn bị cho ngày ra mắt thị trường. Thời gian đó, toàn bộ cán bộ, nhân viên đều làm việc liên tục tới 9-10 giờ đêm. Nhóm thì ngồi với chuyên gia đến từ Công ty FPT, nhóm thì trao đổi với các chuyên gia Thái Lan, nhóm khác thì trải dây khắp trên sàn để lắp đặt máy móc. Đặc biệt, anh em phòng lưu ký thường phải làm việc với chuyên gia FPT đến 2-3 giờ sáng. Thực hiện công tác chuẩn bị hoàn toàn là người của Trung tâm, không thuê mướn ai. Không khí rạo rực giống như chiều 30 Tết ngồi gói bánh trưng ở nhà! - Có nhiều “giai thoại” về hệ thống công nghệ của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người cho rằng nếu như chúng ta chịu đầu tư tiền của ngay từ ban đầu để chuẩn hóa hệ thống công nghệ thì sẽ không có các sự cố "sập sàn" sau này?Ông Vũ Bằng:  Đúng là như vậy. Thời kỳ đầu, trong khi chúng tôi cũng đang lúng túng về việc đầu tư hệ thống công nghệ thì có một vị chuyên gia, nguyên Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan sang Việt Nam và đặt vấn đề, “châu Á hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng, công suất Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan rất lớn, trong khi quy mô giao dịch nhỏ, tại sao Việt Nam phải xây dựng hệ thống công nghệ cho tốn kém, chỉ cần nối một đường truyền sang Sở Thái Lan?” Đối với chúng tôi lúc đó hiểu biết thị trường còn hạn chế, chỉ đơn giản nghĩ là toàn bộ thông tin của thị trường mình mà liên thông sang Thái Lan thì rất khó chấp nhận, nên chúng tôi không trả lời, cuối cùng thì Sở Thái Lan đã đề xuất hỗ trợ giúp ta xây dựng hệ thống giao dịch. Một câu chuyện thú vị về bảng điện tử giao dịch. Do không có kinh phí mua mới nên anh Lê Văn Châu (Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) có liên hệ Tập đoàn Chinfon tặng một bảng điện tử. Tuy nhiên, sau khi treo bảng điện tử thì nó lại không hiển thị do không tương thích với hệ thống giao dịch. Tình hình rất căng vì ngày 28/7 là ngày khai trương giao dịch, mà trước đó gần 1 tháng bảng điện tử vẫn chưa hoạt động. Chúng tôi phải họp ngay với Sở Giao dịch Thái Lan và Chinfon để xử lý kịp thời xây dựng phần mềm cho bảng điện tử, cuối cùng ba bên thống nhất phối hợp triển khai, song đến sát ngày giao dịch bảng điện tử vẫn chưa hoạt động. Anh Lê Văn Châu lại quyết định sang Thái Lan mua gấp bảng điện tử, nhưng khi mua được bảng điện tử về thì các chuyên gia đã xử lý được vấn đề kết nối với bảng điện tử của Chinfon, cuối cùng sau đó chúng tôi đành cho Công ty chứng khoán ACB mượn bảng điện tử mua từ Thái Lan. Lo ngại nhất vẫn là tình trạng kỹ thuật, sau khi hoạt động một thời gian ngắn, hệ thống bất ngờ bị trục trặc vào cuối buổi - Không có giá khớp lệnh. Chúng tôi cấp tốc gọi điện sang Thái Lan, nhưng là ngày cuối tuần nên cán bộ phía bạn đã nghỉ.  Sau đó, chúng tôi trao đổi với anh Trần Đắc Sinh giao cho anh em công nghệ tin học khẩn cấp nghiên cứu xem có thể sử dụng tạm hệ thống Mock Trading System (hệ thống giao dịch thử nghiệm để dạy học của Hàn Quốc) thay thế không đồng thời cử cán bộ tới các công ty chứng khoán, để khôi phục lại số liệu của ngày giao dịch thứ Sáu. Cũng may là lúc đó khối lượng giao dịch chưa nhiều nên số liệu có thể khôi phục gần hết, nhưng hệ thống Mock không thể dùng được cho hệ thống giao dịch của Thái Lan. Quả là một sáng Chủ nhật "nghẹt thở" khi chuyên gia Thái Lan ngày hôm đó mới sang được Việt Nam và mãi tới quá đêm mới sửa xong, khôi phục được hết số liệu. Thật may, sáng thứ Hai, thị trường lại giao dịch bình thường. Lúc đó bên ngoài thị trường không hề biết có trục trặc như vậy. Chúng tôi thực sự lo lắng cho hệ thống công nghệ ban đầu như vậy. Đến sau này, vẫn còn phát sinh những trục trặc mà báo chí gọi là “sập sàn”. Thị trường "nóng" cần cái đầu "lạnh"Thị trường chứng khoán trải qua 10 năm có rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Vậy đâu là thời điểm mà ông phải đưa ra những quyết định khó khăn?Ông Vũ Bằng: Giai đoạn đầu, hoạt động thị trường rất khó khăn. Các yếu tố thị trường chưa hình thành đồng bộ, hiểu biết của nhà đầu tư chưa cao, hàng hóa trên thị trường còn ít. Các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa nhiều và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Cơ chế phối hợp trong chính sách điều hành, quản lý giám sát thị trường còn hạn chế, cung cầu cổ phiếu mất cân đối nên giá bị đẩy lên hàng ngày. Thị trường chỉ trong vòng nửa năm đã tăng rất nóng lên tới gần 580 điểm, lúc đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra một số giải pháp hành chính can thiệp vào thị trường nhằm hạn chế hiện tượng “bong bóng” của cổ phiếu. Kết quả làm cho thị trường sụt giảm mạnh, nhiều người mất tiền. Đấy là bài học kinh nghiệm đầu tiên của tôi cũng như anh em trong việc điều hành thị trường. Một thời điểm nữa, đó là vào cuối năm 2007, khi thị trường chứng khoán và bất động sản phát triển quá nóng đồng thời lạm phát  tăng cao, rất nhiều chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng giải pháp mạnh. Họ ví thị trường chứng khoán như một quả bóng cần phải làm cho xì hơi, chứ không để phát triển đến lúc nổ tung không kiểm soát được. Họ đề xuất áp dụng hai giải pháp như của Thái Lan: vốn đầu tư nước ngoài phải một năm sau mới được rút ra, nếu rút ra dưới 1 năm thì chỉ được phép rút 2/3 số tiền và đánh thuế vào việc hồi vốn này. Tuy nhiên, chúng ta đã biết là khi Thái Lan công bố hai giải pháp này thì thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn ra và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ biện pháp này. Khi đó, mặc dù thấy tình trạng thị thường đã rất căng thẳng nhưng chúng tôi quả quyết rằng nhận định của chuyên gia nước ngoài nói vốn đầu tư gián tiếp gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi đảo vốn rút ra ở Việt Nam là chưa chính xác vào thời điểm đó. Cơ sở là tổng vốn đầu tư nước ngoài lúc đó vào khoảng 8,4 tỷ USD, thì vốn đầu cơ chỉ là 31 triệu USD. Cho nên nói giới đầu cơ thao túng các quỹ đầu tư là không đúng. Kế đó, chúng ta chưa có thị trường phái sinh nên tác động của đầu cơ đối với Việt Nam chưa cao. Hơn nữa, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam gấp hai lần vốn đầu tư gián tiếp và nợ ngoại tệ ngắn hạn thì chưa thể dẫn đến khủng hoảng... Cuối cùng, chúng tôi quyết định trình Chính phủ chưa nên áp dụng hai giải pháp như của Thái Lan. Đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy đây là những mốc rất quan trọng cho thị trường hồi phục và phát triển. Không chỉ cá nhân tôi, mà những ai làm quản lý thị trường đều nhận thức rõ ràng rằng: Trong quá trình chỉ đạo điều hành, vấn đề cân đối cung cầu, các chính sách tài chính tiền tệ, cải cách trong cổ phần hóa, đổi mới trong chính sách quản lý đầu tư nước ngoài là rất quan trọng và cần phải có một cái đầu "lạnh"./.
Cột mốc đáng nhớ:

- Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chuẩn bị tổ chức thị trường chứng khoán.

- Ngày 28/11/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/1998/NĐ-CP về việc thành lập UBCKNN.

- Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động .

- Ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức đi vào hoạt động.

- Ngày 27/7/2005, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được chính thức thành lập.

Quy mô tăng trưởng thị trường

- Trong 5 năm đầu, giá trị giao dịch bình quân chỉ là 55 tỷ đồng/phiên, 5 năm tiếp theo đạt 1.300 tỷ đồng/phiên, gấp gần 25 lần.

- Số lượng công ty niêm yết tăng từ 2 công ty niêm yết lên 550 công ty với mức vốn hóa trên 700 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 40% GDP.

- Tổng giá trị vốn huy động trong 5 năm gần đây đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm  20% GDP; trong đó riêng năm 2007 tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 127 nghìn tỷ đồng.

- TTCK trở thành kênh huy động tới 42% tổng giá trị các đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục