Mỹ bồi thường 88 triệu USD cho nạn nhân của vụ xả súng năm 2015

Vụ xả súng xảy ra vào ngày 18/6/2015 khi thủ phạm Dylann Roof, 27 tuổi, đã nổ súng và cướp đi sinh mạng của 9 tín đồ đang cầu nguyện tại nhà thờ Emanuel AME.
Mỹ bồi thường 88 triệu USD cho nạn nhân của vụ xả súng năm 2015 ảnh 1Hiện trường vụ xả súng hồi năm 2015. (Nguồn: Twitter)

Ngày 29/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã nhất trí bồi thường 88 triệu USD cho các nạn nhân của vụ xả súng có động cơ phân biệt chủng tộc tại nhà thờ Emanuel AME dành cho người Mỹ gốc Phi ở bang Nam Carolina cách đây hơn 6 năm vì những sai sót trong việc thẩm tra lý lịch của những người mua súng.

Vụ xả súng xảy ra vào ngày 18/6/2015 khi thủ phạm Dylann Roof, 27 tuổi, đã nổ súng và cướp đi sinh mạng của 9 tín đồ đang cầu nguyện tại nhà thờ Emanuel AME.

Dylann Roof là người có tư tưởng phân biệt chủng tộc rất nặng nề, tự coi người da trắng là thượng đẳng. Tên này sau đó đã bị kết án tử hình vì tội ác trên.

[Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chống thù hận đối với người gốc Á]

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nhấn mạnh vụ xả súng hàng loạt tại nhà thờ Emanuel AME vào tháng 6/2015 là tội ác khủng khiếp gây nỗi đau khôn nguôn cho gia đình các nạn nhân và những người sống sót.

Kể từ ngày xảy ra vụ nổ súng, Bộ Tư pháp đã nỗ lực mang lại công lý cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi, trước tiên là truy tố hung thủ Roof và giải quyết các khiếu kiện dân sự.

Theo bộ trên, số tiền bồi thường trên là nhằm dàn xếp các cáo buộc từ gia đình của 9 nạn nhân xấu số và 5 người khác trong vụ xả súng.

Các thành viên trong gia đình của 9 nạn nhân sẽ nhận được từ 6 triệu đến 7,5 triệu USD, trong khi những người sống sót mỗi người nhận được 5 triệu USD.

Luật sư Bakary Sellers của các nguyên đơn nhấn mạnh đây là một trong những thỏa thuận dàn xếp lớn nhất về vụ án dân sự trong lịch sử nước Mỹ.

Các gia đình của 9 nạn nhân xấu số và những người sống sót trong vụ xả súng đã kiện chính phủ về những sai sót trong Hệ thống quốc gia về kiểm tra nhanh thân nhân tội phạm (NICS) mà Cục Điều tra Liên bang (FBI) sử dụng để lưu trữ dữ liệu công dân.

NICS yêu cầu các đại lý cửa hàng bán súng được liên bang phê duyệt yêu cầu khách hàng có nhu cầu điền vào bản cam kết do Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) phát hành.

Họ phải viết các thông tin như tên, địa chỉ, nơi sinh, tình trạng hôn nhân, tư cách công dân...

Sau đó, NICS sẽ quét các dữ liệu từ Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia và Chỉ số nhận dạng giữa các nước.

Nếu người mua súng từng bị buộc tội hoặc có tiền án, họ sẽ không được cấp giấy phép sở hữu vũ khí.

Trong trường hợp này, Roof lẽ ra không được phép mua súng vì y từng phạm tội liên quan tới ma túy. Đây là ví dụ cho thấy lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát súng đạn tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục