Mỹ đồng ý cung cấp thông tin về PRISM cho châu Âu

Mỹ đã nhất trí trao đổi thông tin với EU về chương trình giám sát người truy cập Internet và các cuộc điện thoại, gọi tắt là PRISM.
Giới chức châu Âu ngày 14/6 cho biết Mỹ đã nhất trí trao đổi thông tin với Liên minh châu Âu (EU) về chương trình giám sát những người truy cập Internet và các cuộc điện thoại, gọi tắt là PRISM.

Quyết định này được đưa ra sau khi EU bày tỏ quan ngại về mối đe dọa nghiêm trọng đối với các công dân châu Âu từ chương trình giám sát khổng lồ trên của đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề đối nội Cecilia Malmstrom cho biết Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã cam kết thoả thuận trên với bà và Uỷ viên phụ trách tư pháp Viviane Reding sau cuộc thảo luận trong khuôn khổ cuộc họp cấp bộ trưởng tại Dublin, thủ đô của Ireland.

Theo thỏa thuận trên, hai bên sẽ thành lập một nhóm chuyên gia hỗn hợp để tiếp nhận thêm nhiều thông tin về PRISM - chương trình đang gây tranh cãi tại nước Mỹ. Trong khi đó, các nguồn tin khác cho biết Washington đã cung cấp cho Brussels các chi tiết liên quan tới PRISM, cũng như các khía cạnh pháp lý của cơ chế giám sát này.

[Mỹ săn lùng người tiết lộ thông tin mật cho báo chí]

Trong khi đó cùng ngày, các bộ trưởng của Đức đã chất vấn các công ty Internet lớn về việc Mỹ theo dõi hoạt động trên trang web trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Berlin vào tuần tới.

Liên quan người tiết lộ thông tin về PRISM, Anh đã đề nghị các hãng hàng không trên thế giới không cho Edward Snowden được lên bất cứ chuyến bay nào đến Anh.

Dư luận nước Mỹ đang chia rẽ về quyền giám sát của các cơ quan an ninh quốc gia dưới danh nghĩa vì lợi ích an ninh quốc gia sau khi một cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tiết lộ loạt thông tin nhạy cảm về sự tồn tại của chương trình PRISM do Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) xây dựng cách đây 6 năm, cho phép truy cập thư điện tử thu thập các cuộc nói chuyện video, âm thanh, hình ảnh, tài liệu… từ máy chủ trung tâm của 9 công ty mạng Internet hàng đầu của Mỹ là Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, AOL, Skype, YouTube, Apple và PalTalk.

Vụ bê bối này cũng khiến Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander, phải điều trần trước Thượng viện. Ông Alexander đã lên tiếng bảo vệ chương trình giám sát mạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọn của các hoạt động giám sát dữ liệu Internet và các cuộc thoại trong việc đảm bảo an ninh cho nước Mỹ cũng như ngăn chặn các vụ khủng bố tiềm tàng nhằm vào nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục